Theo thông tin từ Hội đột quỵ quốc tế 2022, số bệnh nhân trẻ (dưới 45 tuổi) mắc đột quỵ tại Việt Nam chiếm đến gần 8%, trong đó, phần lớn bệnh nhân bị đột quỵ là do tăng huyết áp. Tuy vậy, việc kiểm soát huyết áp chưa hiệu quả hay chủ quan với những dấu hiệu của bệnh đang khiến tỷ lệ mắc đột quỵ có xu hướng gia tăng, đặc biệt là vào thời điểm chuyển mùa khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh thất thường.
Khoa Đột quỵ não, Viện Thần Kinh, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 những ngày này chật kín các bệnh nhân. Ngoài những bệnh nhân lớn tuổi, có không ít người trẻ chỉ ngoài 30 tuổi, đa phần là đột quỵ cho tăng huyết áp.
Vì chủ quan mà một thanh niên 33 tuổi không thể ngờ căn bệnh tăng huyết áp những tưởng không đáng ngại giờ lại khiến cho việc giao tiếp của anh gặp khó khăn. Lý do là bởi lúc nhớ lúc quên không uống thuốc hay còn có cả những trường hợp biết mình tăng huyết áp nhưng không đi khám mà cùng chẳng dùng đến thuốc.
Huyết áp tăng cao thường xuyên không được kiểm soát là nguy cơ hàng đầu làm vỡ mạch và xuất huyết não. Đây là một trong những loại đột quỵ não có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Nguy hiểm là vậy nhưng căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như chúng ta chú ý lắng nghe cơ thể mình.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi xuất hiện những dấu hiệu đột quỵ ban đầu ở thể nhẹ, bằng bất cứ phương tiện gì, hãy đưa bệnh nhân đến các bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ để không bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.