Trải nghiệm du lịch cùng khinh khí cầu

Nếu muốn thử cảm giác “dạo chơi” trên không trung, thu vào tầm mắt vẻ đẹp diệu kỳ của cảnh sắc thiên nhiên theo cách hoàn toàn mới thì trải nghiệm với khinh khí cầu chính là lựa chọn mà du khách không thể bỏ qua. Ở nước ta, du lịch khinh khí cầu đang dần khẳng định được sức hút cũng như tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

5-1-4394.jpg
Khinh khí cầu trên bãi biển Phan Thiết tháng 3/2023.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hiệu quả quảng bá du lịch điểm đến, thời gian qua, hàng loạt lễ hội, sự kiện trình diễn khinh khí cầu đã được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước. Tiêu biểu như Ngày hội khinh khí cầu “Hà Nội muôn màu” trong khuôn khổ chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022”, Lễ hội khinh khí cầu “Thanh Hóa rực rỡ sắc màu” tại quảng trường Lam Kinh tháng 8/2022, Ngày hội khinh khí cầu Thành phố Hồ Chí Minh dịp lễ 2/9/2022, Lễ hội khinh khí cầu Tri Tôn - An Giang tháng 9/2022...

Nổi bật và tạo nhiều cảm xúc cho du khách và công chúng đầu năm nay là Lễ hội khinh khí cầu “Bay lên Cần Thơ! Tự hào quê hương gạo trắng nước trong” tổ chức dịp kỷ niệm 30/4/2023, thu hút hàng vạn người từ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tham dự, nhất là vào những đêm hoa đăng khinh khí cầu lộng lẫy bên bờ sông Hậu. Lễ hội đã thành công với các chuyến bay khinh khí cầu tự do đầu tiên trên bầu trời Cần Thơ, vùng sông nước nhiều kênh rạch của miền Tây Nam Bộ.

Cùng với đó, còn có các Lễ hội khinh khí cầu quốc tế “Huế - Nét đẹp cố đô” 2023, Lễ hội khinh khí cầu Kontum 2023, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ hai tại Tuyên Quang 2023... Ngoài ra, một số sản phẩm như tour bay khinh khí cầu Mũi Né - Phan Thiết, bay khinh khí cầu ngắm vịnh Hạ Long... cũng đã được một số công ty du lịch đưa vào khai thác.

Sự “bùng nổ” của các hoạt động trải nghiệm khinh khí cầu tại nhiều tỉnh, thành trên dải đất hình chữ S cùng sự đón nhận, hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo du khách đã chứng minh sức hấp dẫn đặc biệt của du lịch khinh khí cầu. Nhiều chuyên gia nhận định, với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, địa hình đa dạng, vừa mang nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ, vừa lãng mạn, nên thơ, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch khinh khí cầu của thế giới.

Mới đây, việc Mũi Né được ứng dụng đặt phòng hàng đầu thế giới Booking xếp vào danh sách những điểm bay khinh khí cầu đẹp nhất thế giới càng chứng tỏ lợi thế phát triển hình thức du lịch này tại Việt Nam.

Theo doanh nhân Hoàng Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðầu tư xuất nhập khẩu thương mại - dịch vụ SG Chiến Thắng - đơn vị đầu tiên nhập khẩu khinh khí cầu vào Việt Nam phục vụ Festival Huế 2004: Không chỉ mang đến trải nghiệm mới mẻ, độc đáo cho du khách, sự xuất hiện của các khinh khí cầu đa sắc mầu còn góp phần tô điểm, tạo nên diện mạo mới cho điểm đến, từ đó nâng cao hiệu quả quảng bá, thu hút du khách.

Ðáng chú ý, tại SEA Games 31, công ty đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Ban tổ chức SEA Games cấp giấy phép thực hiện cuộc trình diễn khinh khí cầu đặc biệt liên tục trong một tháng mang tên “Cuộc dạo chơi của Sao La - kỳ lân châu Á” từ ngày 2/5 đến hết 31/5/2022, bay qua nhiều tỉnh, thành phố có thi đấu SEA Games để chào mừng Ðại hội thể thao Ðông Nam Á lần thứ 31 do Việt Nam đăng cai.

Trong đó, cuộc bay ở Vũ Quang với tên “Vũ Quang, ngôi nhà của sao la” của 10 khinh khí cầu đã thu hút ba vạn du khách đến với nơi phát hiện ra sao la, linh vật của đại hội thể thao, dù nơi đây cách Hà Tĩnh hơn 60 km. Hay mới đây, trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, màn trình diễn khinh khí cầu về đêm tại công viên biển Ðồi Dương (Phan Thiết) cũng thu hút bốn vạn khách tới tham quan.

Hiện nay, du lịch bằng khinh khí cầu đã được nhiều nước trên thế giới phát triển để thu hút du khách, với hàng trăm lễ hội khinh khí cầu được tổ chức mỗi năm. Ở một số nơi đã hình thành nên những “thủ phủ” khinh khí cầu thế giới, tiêu biểu như: Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ), Albuquerque (Mỹ), Chamberlain (Pháp), Saga (Nhật), Thung lũng các vị Vua (Ai Cập), hay gần nước ta là không gian bay khinh khí cầu nổi tiếng ở Di sản thế giới Bagan (Myanmar)...

Tuy nhiên, ở nước ta, đây vẫn còn là loại hình trải nghiệm tương đối mới mẻ. Khoảng 10 năm nay, Việt Nam mới cho phép khinh khí cầu bay tự do. Vì thế, để phát triển loại hình này, trước tiên cần tạo nhiều cơ hội để người dân, du khách có thể tiếp cận với các hình thức trải nghiệm khinh khí cầu trên cơ sở “bắt tay” chặt chẽ giữa nhiều thành phần: chính quyền địa phương, đơn vị tổ chức lễ hội, hãng lữ hành, đơn vị truyền thông...

Từ đó, tiến tới hình thành các trung tâm chuyên cung cấp các các sản phẩm trải nghiệm du lịch trên không, cùng với khinh khí cầu còn là dù lượn động cơ, máy bay trực thăng thể thao..., đưa bầu trời trở thành tài nguyên du lịch. “Nếu Việt Nam có thể tổ chức định kỳ những lễ hội khinh khí cầu quy mô lớn thì sẽ không chỉ hấp dẫn khách trong nước mà còn thu hút đông đảo khách quốc tế”, ông Nam khẳng định.

Trong các hoạt động trình diễn khinh khí cầu tại Việt Nam, các loại khinh khí cầu thường được sử dụng là khinh khí cầu cấp 7-8 (chiều cao từ 20-25 m, đường kính nơi to nhất khoảng 17-18 m, có thể chở được 2-4 người lớn hoặc 4-6 trẻ em) và khinh khí cầu cấp 1 (cao 10-12 m, đường kính nơi to nhất là 5-6 m, sức nâng 20-30 kg, không dùng để chở người). Phần lớn các khinh khí cầu thường có dạng tròn như giọt nước ngược, nhưng cũng có khi được thiết kế theo những hình thù đặc biệt như: con vật, nhân vật hoạt hình...

Một số trải nghiệm khinh khí cầu đã được triển khai tại Việt Nam là: bay treo (tức khinh khí cầu được buộc dây cố định tại các điểm định vị và chỉ bay lên xuống trong vòng 50 m theo chuẩn quốc tế kể từ mặt đất); bay tự do (khinh khí cầu bay từ nơi này đến nơi khác có khoảng cách trung bình từ 2 - 40km theo độ cao khác nhau, tốc độ bay tùy thuộc tốc độ gió); tham quan khinh khí cầu (khinh khí cầu được đặt nằm dưới mặt đất và thổi phồng lên như nhà vải để du khách có thể vào trong tìm hiểu, tham quan, chụp hình); đêm hoa đăng khinh khí cầu (những luồng lửa dài được thổi vào trong thân khinh khí cầu, tạo nên những chiếc đèn lồng khổng lồ rực rỡ có thể chớp tắt theo giai điệu âm nhạc, tạo nên hiệu ứng ánh sáng thú vị).

Các chuyên gia cho rằng, du lịch khinh khí cầu là trải nghiệm tương đối đắt đỏ nhưng nếu làm tốt sẽ thu hút được lượng khách chất lượng, có mức chi tiêu cao. Ðặc biệt, bay khinh khí cầu tự do được dự đoán sẽ là sản phẩm du lịch cao cấp, ấn tượng... Cùng với những hình thức đã áp dụng, cần tiếp tục đa dạng hóa các trải nghiệm liên quan khinh khí cầu, có thể cung cấp một số hoạt động, dịch vụ trên khinh khí cầu đã được một số nước áp dụng như: cuộc thi vô địch bay khinh khí cầu, cầu hôn trên khinh khí cầu, tổ chức đám cưới với khinh khí cầu... Do hoạt động khinh khí cầu là loại hình thể thao mạo hiểm nên yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

Chương III Nghị định số 168 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đã quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của du khách, trong đó có bay khinh khí cầu, dù lượn, nhảy dù..., tạo cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động này ngày một thêm chuyên nghiệp, an toàn.

Bên cạnh chú ý tính thuận lợi của yếu tố thời tiết, các hoạt động trình diễn khinh khí cầu còn đòi hỏi phải sử dụng đội ngũ phi công, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm thực tiễn, có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh mọi yêu cầu về pháp lý, pháp luật...

Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Sáng 16/11, tại xã Y Tý, huyện Bát Xát đã diễn ra Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai; sản phẩm "Kết nối con đường di sản" từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe gắn với cây thảo dược và nông nghiệp" tại xã Y Tý.

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

Ngày 15/11, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu; UBND các huyện: Phong Thổ (Lai Châu), Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang); Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức khảo sát đường đá cổ Pavie xuất phát từ Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) sang xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát - Lào Cai).

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Khi những dấu chân khai mở của Sun Group tìm đến thị trấn trong sương, đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”, Sa Pa lặng lẽ ngày nào giờ như sống lại một thời từng là thị trấn nghỉ dưỡng của người Pháp.

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” được tổ chức từ ngày 14 - 17/11, tại Quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ. Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai đã thu hút người dân và du khách.

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

Nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc tại Bắc Hà nói riêng và trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, từ ngày 15/11 - 7/12, huyện Bắc Hà tổ chức Festival mùa đông năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn.

fbytzltw