Bí thư Thành uỷ Thái Nguyên Dương Văn Lượng đánh trống khai mạc lễ hội.
Vùng chè đặc sản Tân Cương có 6 xã gồm Tân Cương, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Hà thuộc thành phố Thái Nguyên. Vùng chè này đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương từ năm 2006 và có quyết định chứng nhận “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp năm 2023 đối với ba xã gồm Tân Cương, Phúc Trìu và Phúc Xuân. Nghề trồng và chế biến chè nơi đây được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX. Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu, cùng với kỹ năng trồng và chế biến chè đã tạo nên chất lượng đặc biệt của vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Sản phẩm chè Tân Cương được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020-2021).
Đông đảo du khách thập phương tham quan và trải nghiệm sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Tại Lễ hội, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như thi hái chè nhanh, sao chè theo phương pháp thủ công truyền thống và đóng gói chè nhanh... Điểm nhấn đặc sắc trong Lễ hội chính là nghi lễ rước cây chè cổ của 6 xã thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương. Những cây chè được lựa chọn đều là cây có độ tuổi từ 30 - 70 năm, thân khỏe, dáng đẹp, tán đều và búp xanh, thể hiện hồn cốt, cội nguồn gốc rễ tạo nên văn hoá làng nghề truyền thống của vùng đất, con người nơi đây.
Ông Phạm Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Những năm qua, việc bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố và các xã trong vùng chè đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, các địa phương trong vùng còn chú trọng việc gìn giữ, bảo tồn và mở rộng diện tích chè trung du hiện có, bảo tồn những cây chè cổ, vườn chè cổ. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn hữu cơ; hình thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chế biến chè; từng bước gắn sản xuất với phát triển du lịch cộng đồng vùng chè để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, các địa phương đang tích cực tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021-2025”.
Phần thi rước cây chè đẹp của các xã trong vùng chè đặc sản Tân Cương.
Thành phố Thái Nguyên hiện có gần 1.500 ha chè, tập trung tại 6 xã vùng chè Tân Cương với sản lượng chè búp tươi đạt trên 23,7 nghìn tấn/năm. Ngoài các mô hình sản xuất, chế biến theo quy mô hộ, các xã trong vùng chè đặc sản hiện có 26 mô hình sản xuất theo quy mô hợp tác xã và trên 500 tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà. Đến thời điểm này, vùng chè đặc sản Tân Cương đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Có thể nói, cây chè đã góp phần quan trọng mang lại no ấm, hạnh phúc cho người dân Tân Cương và các xã trong vùng chè; đồng thời, dần khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.