Được hòa mình vào những câu chuyện lịch sử tại Nhà truyền thống, tôi như thấy rõ hơn hình hài Tổ quốc từ phía biển.


Buổi sáng đầu tiên đặt chân lên đảo Trường Sa, cánh phóng viên chúng tôi ai nấy đều khoác trên mình chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng. Một vài người mang theo cờ Tổ quốc đứng chụp ảnh dưới cột mốc chủ quyền ở ngay trung tâm đảo. Phút ấy, đứng dưới cột mốc nơi đảo xa, tôi cảm giác tim mình nghẹn lại, trong lòng trào dâng cảm xúc khó tả. Thậm chí một số phóng viên cứ thế cầm lá cờ Tổ quốc chạy dọc đường băng thênh thang giữa đảo, vui như một đứa trẻ.



Ở đây, giữa mênh mông gió lộng và tiếng sóng ầm ào, tôi như nghe âm vang tiếng biển thì thầm về khúc tráng ca của những người anh hùng giữ đảo, về những người lính Hải quân Việt Nam đã thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ tấn công và giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cách đây 50 năm trước. Sử vàng còn ghi, rạng sáng 14/4/1975, lực lượng của Đội 1 Đặc công Hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây và giải phóng đảo này sau 30 phút chiến đấu. Sau đó, lần lượt các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, Nam Yết... và toàn bộ quần đảo Trường Sa được giải phóng vào ngày 29/4/1975. Chiến công hiển hách này đã trở thành mốc son lịch sử, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Lòng thêm trân trọng hơn những hy sinh của bao thế hệ cha anh đi trước để có được độc lập, tự do và hạnh phúc như hôm nay, mỗi phóng viên chúng tôi càng thấy bản thân phải có ý thức trách nhiệm sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp.
Còn với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa, thông qua những câu chuyện, tấm gương về tinh thần anh dũng chiến đấu bảo vệ biển đảo của cha anh, họ càng thấy vinh dự và tự hào. Truyền thống lịch sử đẹp đẽ tiếp tục được những người lính đảo hôm nay viết tiếp và làm tỏa rạng hơn, trở thành động lực để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như lời khẳng định của Thượng tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa: Mỗi cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió với một quyết tâm cao nhất, vượt mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


50 năm sau ngày giải phóng, quân và dân trên quần đảo Trường Sa hôm nay đang tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cùng nhau xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ đội Hải quân ngày 15/3/1961: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”.
Đến với quần đảo tiền tiêu, từ trong khó khăn, thử thách, chúng tôi cảm nhận rõ có một Trường Sa với sức sống mạnh mẽ đang vươn mình lớn mạnh, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện. Hoa đã nở, trái ngọt đã thành giữa mặn mòi biển cả, một minh chứng cho thấy tinh thần sáng tạo và cần cù lao động của quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Cùng nhau xây dựng để quần đảo linh thiêng không chỉ vững về phòng thủ mà còn tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân - dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Hôm tác nghiệp trên đảo Đá Đông A, trò chuyện với Thiếu tá Đào Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng của đảo cho biết: Chúng tôi luôn duy trì nghiêm công tác huấn luyện và chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác bảo vệ an toàn mục tiêu được phân công đảm nhiệm, nhất là vào ban đêm, thời tiết xấu. Qua đánh giá hằng năm, kết quả huấn luyện đều đạt loại khá, giỏi; các cán bộ, chiến sĩ đều vững vàng ý chí, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh.

Không chỉ đảo Đá Đông A mà các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững từng tấc đảo, sải biển của Tổ quốc, xây dựng những pháo đài sừng sững giữa biển khơi, như lời tuyên bố chắc nịch về chủ quyền của dân tộc.
Xây dựng thế trận vững vàng nơi đảo xa chính là một trong những điều kiện bảo vệ Tổ quốc vững vàng từ sớm, từ xa. Trong đó, mỗi người lính đảo thực sự là một pháo đài giữa trùng khơi.