Mới đây, CA tỉnh Đồng Nai cho biết, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp với CA tỉnh đang vào cuộc điều tra, xác minh vụ hai vợ chồng bấm được 4 biển số xe “siêu đẹp” tại xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận.
Trước đó, CA tỉnh Đồng Nai nhận được thông tin có hai vợ chồng đến CA xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai để bấm biển số. Người chồng bấm được biển số 60B6 - 888.89 cho chiếc xe hiệu Suzuki RGV120 và biển số 60B6 - 888.86 cho xe SH150i; người vợ bấm được biển số 60B6 - 888.88 và biển 60B6 - 888.68 cho 02 chiếc xe cùng mang nhãn hiệu Yaz.
Luận bàn về vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trường hợp cả 2 vợ chồng bấm 4 lần liên tục được 4 biển số xe đẹp thì khó có thể là ngẫu nhiên. Nếu không có sự tác động thì có thể sẽ là sai sót về kỹ thuật hoặc sai làm quy trình bấm biển ngẫu nhiên!? "Thông thường việc bấm biển số ngẫu nhiên rất khó có thể trúng biển số đẹp vì lượng biển số đẹp không nhiều (và có thể các số đẹp còn được chọn lọc để tới đây bán đấu giá theo quy định pháp luật).
Ngoài ra, người đăng ký xe cũng không được tự do lựa chọn biển số đẹp theo ý mình bởi cơ quan chức năng cấp quyền sử dụng biển số xe theo hình thức bấm ngẫu nhiên. Do đó, việc 2 vợ chồng bấm 4 lần liên tục mà cả 4 lần đều đều là biển số đẹp là vô cùng bất thường", luật sư Thái nhận định.
Ngoài ra, quy trình đăng ký xe và thủ tục bấm biển được pháp luật quy định rất chặt chẽ để đảm bảo tính khách quan, tránh tiêu cực. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh để có kết luận chính xác về vụ việc làm căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, trong trường hợp việc kết quả bấm biển "không ngẫu nhiên" nhưng vẫn đúng quy trình thì kết quả "không ngẫu nhiên" là do lỗi kỹ thuật mà không có lỗi của bên nào. Cơ quan chức năng và người bấm đều không có lỗi thì thủ tục bấm biển, đăng ký bị huỷ bỏ, sự việc chỉ là rút kinh nghiệm chứ không xử lý bằng chế tài vì không ai có lỗi.
Trong trường hợp cơ quan chức năng đã thực hiện đúng quy trình nhưng người bấm biển đã gian lận trong một khâu nào đó mà cán bộ không phát hiện thì ra thì không xử lý cán bộ nhưng sẽ huỷ kết quả bấm biển vì phạm quy trình, sai quy định. Trường hợp cơ quan chức năng đã làm sai quy trình dẫn đến sự việc sai quy trình là lỗi vô ý do thiếu kinh nghiệm và không có vụ lợi thì sẽ xem xét kỷ luật với cán bộ có liên quan và huỷ bỏ kết quả bấm biển.
Đối với trường hợp kết quả xác minh xác định đã có tiêu cực, vì nhận lợi ích vật chất từ 2.000.000 đồng trở lên mà tác động để cấp biển số đẹp theo yêu cầu của người tác động thì sẽ bị khởi tố tội "Đưa hối lộ" và tội "Nhận hối lộ" đối với người đưa và người nhận hối lộ để xử lý theo quy định tại Điều 354 và Điều 364, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy đã có tiêu cực trong việc cấp biển số xe nhưng không có sự thoả thuận giữa người thực hiện thủ tục cấp biển số và người đề nghị cấp biển số, hành vi được xác định là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước thì có thể vẫn xử lý hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, BLHS năm 2015.
Trường hợp kết quả xác minh không phát hiện sai sót về quy trình, cũng không phát hiện sai sót về kĩ thuật, không chứng minh được có hành vi tác động tiêu cực, không có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước thì sẽ không xử lý và không thu hồi các biển số xe đẹp trên.
"Để giải quyết vụ việc khách quan, công bằng, đúng pháp luật thì cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ quy trình cấp biển số xe, hành vi của các bên, mối liên hệ của các bên, đặc biệt là cần làm rõ có sự tác động tiêu cực để lựa chọn biển số xe theo yêu cầu của người dân hay không để xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Thái phân tích.