Sau tuyến bài 10.000 km hàng Trung Quốc vào Việt Nam của báo Tuổi Trẻ, nhiều người bán tại chợ cho biết ngay cả giảm giá sâu, thậm chí chấp nhận lỗ vốn thì tiểu thương cũng không thể cạnh tranh lại với hàng ngoại nhập bán qua kênh online.
Giảm giá cỡ nào cũng không cạnh tranh lại
Bà Hồ Bích Nguyệt, tiểu thương bán quần áo tại chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức), cho biết một cái áo bà nhập sỉ tại chợ với giá rất cạnh tranh là 170.000 đồng, nếu bán lẻ ra tầm 200.000 mới được chút lãi; nhưng cũng cái áo này được một trang thương mại điện tử bán ra chỉ 150.000 đồng, thậm chí mua 2 cái còn được miễn phí giao hàng.
"Cũng cái áo mẫu mã như nhau mà sao trên chợ mạng rẻ quá, làm sao tiểu thương ở chợ cạnh tranh nổi. Tôi không hiểu là những kênh bán hàng online này họ lấy từ đâu, chất lượng thế nào mà giá tốt thế. Nếu đây là hàng Trung Quốc thì cũng không hiểu sao lại rẻ đến thế", bà Nguyệt đặt vấn đề.
Cũng theo bà Nguyệt, nhiều trang thương mại điện tử chỉ bán 10.000 đồng/đôi dép nhựa, dù chưa biết chất lượng thế nào, nhưng hàng rẻ nhất tại chợ cũng không thể có giá đó.
Kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ An Đông (quận 5) hàng chục năm nay, bà Vũ Thị Ngọc Phượng cho biết chưa lúc nào chợ truyền thống, chợ sỉ rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay, đặc biệt đối với ngành hàng thời trang bởi sức mua hiện giảm khoảng 70 - 80% so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Đặc biệt, nhiều người bán cho biết mối khách sỉ ở các tỉnh vốn là thế mạnh của ngành hàng thời trang tại chợ trong nhiều năm qua nhưng nay gần như bị tê liệt.
"Mối sỉ lúc cao điểm đến 30 - 40 mối, cứ lấy hàng mỗi tuần với lượng lớn, nhưng giờ tuyệt nhiên mất hẳn. Giờ mỗi ngày chỉ có vài khách lẻ nên lượng bán khá khiêm tốn", bà Phượng nói.
Ở góc nhìn người bán, bà Nguyễn Đào Ngọc Nhiên, kinh doanh hàng quần áo tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình), cho biết lượng khách sỉ giảm mạnh là lý do chính khiến các sạp quần áo tại chợ hiện đang "hấp hối", và lý do chính khách sỉ giảm là giờ ở các tỉnh mua hàng online rất nhiều.
"Giờ đến người nông dân, người cao tuổi họ cũng biết đặt mua hàng online một cách dễ dàng, người bán lại giao hàng tận nhà, giá đôi khi rẻ hơn mua tại chợ. Từ thực tế này nên họ bỏ chợ mà dần chuyển qua mua online", bà Nhiên lý giải.
Nhiều tiểu thương cho rằng việc mua hàng online giờ quá tiện khi các trang thương mại điện tử bùng nổ, đặc biệt gần đây có thêm sàn TikTok quá mạnh. Thêm vào đó, khâu giao hàng hiện nay quá thuận tiện, hàng thời trang, gia dụng... Trung Quốc nhập về rất dễ dàng và "ship" đến gần như mọi vùng quê.
"Cũng miếng bánh bấy nhiêu đó, giờ kênh kinh doanh online "ăn" nhiều thì kênh bán hàng truyền thống phải teo tóp dần nên đói thôi", bà Nhiên nhận định.
Chợ sống "thoi thóp" vì lượng sạp nghỉ bán tăng không ngừng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức, xác nhận tình hình kinh doanh khó khăn kéo dài nên lượng sạp nghỉ nhiều.
Cụ thể, chợ thiết kế 936 sạp nhưng hiện hoạt động chỉ còn 572 sạp, đặc biệt trong đó ngành hàng thời trang - mỹ phẩm có thiết kế 130 sạp nhưng giờ chỉ còn 22 sạp hoạt động.
"Năm 2007 trở đi là bắt đầu các sạp nghỉ bán dần, và từ 2020 đến nay là đóng cửa nhiều nhất, đặc biệt ngành hàng thời trang. Nhiều sạp còn đang thiếu nợ thuế, phí nhưng do người bán nghỉ, chợ không liên lạc được nên giờ đành chịu", bà Hà than.
Cũng theo bà Hà, Nhà nước yêu cầu tăng giá cho thuê quầy sạp, trong khi tình trạng khó khăn trên kéo dài. Do đó, nếu không sớm có giải pháp căn cơ, khả năng cao chợ sẽ chết dần chết mòn vì tiểu thương tháo chạy, chợ không có nguồn thu để trang trải.
Tương tự, dù là chợ sỉ lâu đời với lượng khách hàng tấp nập trước đó, nhưng giờ cảnh ế ẩm cũng bao trùm tại ngành hàng thời trang chợ An Đông khi số lượng sạp nghỉ, giảm giờ mở bán ngày càng nhiều.
Trong khi đó, dù có thế mạnh với lượng khách du lịch lớn nhưng đại diện chợ Bến Thành (quận 1) xác nhận lượng khách tại chợ hiện có tốt hơn so với thời điểm 2021 - 2023 song vẫn khá thấp nếu so với trước dịch COVID-19.
Đặc biệt, nhiều ngành hàng như đồ lưu niệm, mỹ nghệ, quần áo, vải... vẫn còn khá khó khăn, tình trạng quầy sạp đóng cửa, tiểu thương lúc bán lúc nghỉ, mong muốn sang lại quầy sạp vẫn còn.
Ban quản lý nhiều chợ tại TP.HCM xác nhận ngành hàng kinh doanh thời trang tại chợ đang "hấp hối", khả năng sẽ sớm không thể tồn tại nếu phải tiếp tục cạnh tranh với kênh bán online, sản phẩm từ Trung Quốc về ào ạt với đủ mọi giá, mẫu mã được quảng cáo, bán nhan nhản trên TikTok, Facebook và các trang thương mại điện tử.
Cần xem lại khâu thu thuế, phí
Là chủ một doanh nghiệp chuyên nhập hàng thời trang tại TP.HCM, ông Trần Văn Đạo cho biết dù có kinh nghiệm nhập hàng cũng bị giảm doanh thu khi doanh nghiệp tại Trung Quốc tăng cường việc tự livestream bán trực tiếp tới tay khách Việt Nam, thay vì thông qua đơn vị nhập hàng trung gian là các công ty từ Việt Nam như trước.
Ông Đạo cho rằng cách bán hàng này của Trung Quốc có thể ít nhiều giúp khách hàng tại Việt Nam được lợi vì mua được giá tốt, nhưng ngược lại sẽ khó kiểm soát được chất lượng, có thể ít chịu sự quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước.
"Vấn đề đặt ra là Nhà nước hiện có thu được thuế, phí đối với loại hình kinh doanh này không, và mức thu nếu có là thế nào, đã hợp lý chưa.
Nếu việc thu thuế, phí không phù hợp hoặc hàng nhập lậu tuồn vào nhiều thì đây là điều không công bằng cho tiểu thương tại chợ, bởi họ phải chịu tiền thuê mặt bằng, đóng nhiều loại thuế, phí", ông Đạo nói.