
Thôn Tả Van Giáy 1, xã Tả Van, thị xã Sa Pa có 116 hộ dân, gần 600 nhân khẩu, với 2 dân tộc Giáy và Mông cùng sinh sống. Trước đây, câu chuyện tảo hôn là vấn đề nhức nhối ở địa phương, bởi tập tục này ăn sâu vào nhận thức của đồng bào chốn này.
Lấy chồng sớm, phụ nữ quen với cuộc sống lầm lũi quẩn quanh trong mỗi nếp nhà như cơm nước, chăm con, làm việc ruộng nương. Vậy nhưng cuộc sống khó khăn khiến không ít chị em là nạn nhân của bạo lực về thể xác, tinh thần ngay trong chính mái ấm của mình.

Ông Chang A Vảng, Trưởng thôn và cũng là Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Tả Van Giáy 1 là thành viên của đội thi thị xã Sa Pa tham gia Hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả thay đổi nếp nghĩ cách làm trong phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023.
Với ông Vảng, việc tìm hiểu các tài liệu liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ giúp ông cùng các thành viên trong đội tự tin trong từng phần thi mà quan trọng hơn cả, kiến thức ấy giúp ông làm tốt hơn nữa vai trò tuyên truyền viên trong cộng đồng, để bà con hiểu hơn về chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng nhau xóa bỏ định kiến giới, giúp xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em gái.

Hội Phụ nữ xã Tả Van hiện có gần 900 hội viên, với trên 80% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chị Sùng Thị Lang, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thương về thể xác mà còn kéo theo những tổn thương lâu dài về tinh thần.
Để chung tay phòng, chống bạo lực gia đình thì điểm mấu chốt là phải làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng. Việc tổ chức, tham gia các hội thi có liên quan là giải pháp hữu ích để trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở và lan tỏa rộng rãi thông điệp “Gia đình là để yêu thương”.

Còn tại vùng cao Kin Sáng Hồ, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, thời gian qua, câu chuyện bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình vẫn tồn tại trong cộng đồng dân tộc Mông.
Chị Vừ Thị Sung, thành viên tổ truyền thông cộng đồng thôn cho hay: Cách đây không lâu có cặp vợ chồng ở thôn ly hôn bởi không tìm được tiếng nói chung và người vợ đã không thể chịu đựng được sự giày vò của chồng sau thời gian chung sống. Câu chuyện xảy ra trước khi tổ truyền thông cộng đồng thôn được thành lập.
Từ những chuyện thực tế xảy ra trên địa bàn, chị Sung hy vọng những thông tin chị được cập nhật tại Hội thi sẽ giúp chị và các thành viên hiểu rõ hơn các hình thức bạo lực gia đình, học hỏi những cách làm ở những địa phương khác để áp dụng, từng bước xóa bỏ câu chuyện buồn ở vùng cao Kin Sáng Hồ.

Hưởng ứng tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả thay đổi nếp nghĩ cách làm trong phòng chống bạo lực gia đình năm 2023.
Hội thi được tổ chức với hình thức thi 2 vòng. Vòng sơ khảo tổ chức tại cấp huyện với 8 hội thi và là cơ sở lựa chọn đội tham gia vòng thi chung kết diễn ra vào ngày 27 - 28/12.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025.

Kể từ đầu tháng 12, không khí sôi nổi của Hội thi đã được lan tỏa và nhận được sự mong đợi, cổ vũ, theo dõi của đông đảo hội viên, phụ nữ và Nhân dân. Thông tin về hội thi được các cấp hội phụ nữ chia sẻ bằng nhiều hình thức.
Các đội thi đã trải qua 3 phần thi gồm: Chào hỏi, xử lý tình huống pháp luật và sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm. Nội dung xoay quanh kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật, tập trung vào những điểm mới, vai trò của hội phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng xử lý các tình huống thực tế trong tuyên truyền và vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.
Mỗi đội thi đều mang đến những câu chuyện riêng, mang sắc màu của từng dân tộc song đều đậm hơi thở cuộc sống. Những tiểu phẩm được dàn dựng là câu chuyện đã, đang xảy ra và không còn xa lạ ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những câu chuyện đó, bạo lực gia đình nhen nhóm từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, trong gia đình phải có con trai để nối dõi. Đó là những cơn ma men khiến chồng đánh, mắng vợ; vì nghèo nên cha mẹ muốn con gái lấy chồng sớm; hay có khi là sự đối xử bất công của cha mẹ với con cái mình.


Anh là Thào Seo Tếnh - cá nhân được nhận giải chuyên đề truyền thông viên ấn tượng, xuất sắc nhất cho biết: Hội thi do hội phụ nữ tổ chức rất ý nghĩa, giúp tôi tự tin hơn trong công tác tuyên truyền, phát huy vai trò Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Chính Chư Phìn, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai.
Theo bà Giàng Thị Bằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thi, các đội rất khéo léo để vừa truyền tải câu chuyện thực tế và lồng gắn cách giải quyết, tháo gỡ hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc.
Cũng theo bà Bằng, Hội thi là hoạt động thiết thực góp phần đổi mới cách thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; nâng cao nhận thức trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; thúc đẩy các mô hình sáng tạo và hiệu quả thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phòng, chống bạo lực gia đình tại các vùng triển khai thực hiện Dự án 8.

Đây là cơ hội để các tuyên truyền viên của hội phụ nữ và các thành viên tổ truyền thông cộng đồng học hỏi kinh nghiệm và rèn luyện, nâng cao kỹ năng tuyên truyền và xử lý tình huống nhằm vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Thông qua hội thi, các cấp hội tiếp tục nhân rộng, lan tỏa những cách làm sáng tạo, hiệu quả, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.