Đồng hành với ngân hàng chính sách xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua, các cấp bộ đoàn đã nỗ lực, sáng tạo, phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ là một trong những kênh dẫn vốn chính sách tới các hộ nghèo. Trung bình trong giai đoạn 2014 - 2024, dư nợ ủy thác tín dụng qua tổ chức đoàn thanh niên tăng trưởng bình quân 4,7%/năm với 11.533 hộ vay. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, vươn lên làm chủ các mô hình và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Đồng chí Nguyễn Hải Đăng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên chỉ đạo các cơ sở đoàn phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội các cấp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, nhất là việc chấp hành các thủ tục; duy trì hiệu quả hoạt động của tổ vay vốn và tiết kiệm. Các cấp bộ đoàn cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để hỗ trợ các hộ thanh niên vay vốn.
Là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích của người nông dân, những năm qua, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh luôn xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội hằng năm, là nguồn lực quan trọng giúp nông dân sản xuất, kinh doanh và gắn bó với tổ chức hội.
Đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh luôn bám sát nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác theo đúng chủ trương, chính sách về tín dụng đối với người vay vốn. Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh quán triệt, giao chỉ tiêu thi đua cho hội nông dân cấp huyện triển khai các nội dung nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tín dụng chính sách.
Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hơn 760 buổi truyền thông về các chính sách tín dụng cho hơn 50.000 lượt hội viên và hơn 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Từ nguồn vốn vay ban đầu, các hộ đã xây dựng mô hình kinh tế hộ, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp và thành lập hàng trăm tổ hợp tác liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa như chè, lúa séng cù, chuối, dứa, cây lâm nghiệp... Đến nay, toàn tỉnh có 16.509 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Đối với hội phụ nữ các cấp, giai đoạn 2014 - 2024 có hơn 15.000 hội viên phụ nữ vay vốn chính sách, góp phần tạo việc làm mới cho 10.465 lao động nữ. Không những vậy, sau khi xây dựng thành công các mô hình kinh tế, chị em còn gửi tiết kiệm hơn 37,3 tỷ đồng.
Đối với các cấp hội cựu chiến binh, từ 20 chương trình tín dụng đã giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng dư nợ hơn 1.022 tỷ đồng, tăng 676 tỷ đồng so với năm 2014.
Tiếp thêm nguồn lực cho tín dụng chính sách
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh thực hiện ủy thác cho vay đã thực hiện hiệu quả văn bản liên tịch để triển khai nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Tính đến hết tháng 4/2024, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tham gia quản lý hơn 72.300 hộ vay vốn với tổng số tiền hơn 4.561 tỷ đồng, tăng 2.722 tỷ đồng so với năm 2014 và chiếm trên 99,9% tổng dư nợ tín dụng. Việc kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội là hướng đi đúng, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả.
Phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách thông qua các tổ chức đoàn thể đã góp phần giảm tải khối lượng công việc, làm tinh gọn bộ máy hoạt động. Hệ thống ngân hàng chính sách xã hội phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững của địa phương từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Thời gian tới, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với chính quyền địa phương và hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt các nội dung ủy thác tín dụng chính sách xã hội; nắm chắc tình hình sử dụng vốn vay; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, đôn đốc nợ đến hạn; thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các đối tượng vay vốn sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhằm tiếp tục nhân lên các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình tiên tiến...