Với đặc thù là huyện 30a, mặc dù thu ngân sách trên địa bàn gặp khó khăn nhưng hằng năm, Mường Khương vẫn đảm bảo nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để cho vay. Trong 10 năm (2014 - 2024), Mường Khương đã bố trí hơn 7 tỷ đồng từ ngân sách huyện ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để cho vay, trung bình mỗi năm hơn 700 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hưng, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mường Khương cho biết: Mặc dù khó khăn nhưng hằng năm vẫn dành 10% số thu ngân sách để ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn ngân sách huyện được Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện đưa vào dự toán ngay từ đầu năm. Nếu nguồn thu gặp khó khăn, huyện sẽ tiết kiệm chi để đảm bảo nguồn vốn ngân sách ủy thác không bị giảm, bị chậm.
“Nguồn lực địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng, làm đòn bẩy tài chính trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, nhất là đối với huyện nghèo như Mường Khương lại càng có ý nghĩa quan trọng”, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mường Khương Nguyễn Hồng Hưng khẳng định.
Cũng là huyện 30, những năm qua, Si Ma Cai đã dành nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng chí Bùi Quang Hùng, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Si Ma Cai cho biết: Nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn rất hạn chế, 98% nguồn thu từ cân đối bổ sung ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, huyện vẫn dành nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo kế hoạch giao hằng năm. Từ năm 2014 đến nay, huyện Si Ma Cai đã dành hơn 5,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Việc các địa phương chủ động bố trí đối ứng nguồn vốn ngân sách để ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn là hiện thực hóa chủ trương Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các văn bản quy định về kinh phí ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay ưu đãi đối với các đối tượng chính sách. Có thể kể đến Quyết định số 3366 ngày 26/7/2017 của UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Nghị quyết số 06 ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2025. Nghị quyết số 06 ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết số 05 ngày 19/6/2022 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số nội dung về cơ chế thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai…
Sau 10 năm (2014 - 2024) thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cân đối nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH với số tiền 386 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu hằng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Cùng với nguồn đầu tư tín dụng chính sách của Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác trong 10 năm qua đã giúp gần 239.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, góp phần giúp gần 71.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 46.000 lao động; giúp 101 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 3.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 80.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn...
Đồng chí Đỗ Ngọc Long, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Lào Cai khẳng định: Tỉnh Lào Cai luôn quan tâm và cụ thể hóa cơ chế huy động nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để ưu tiên cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Lào Cai đứng thứ 2/6 tỉnh Tây Bắc (sau Sơn La) về việc dành nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.