Tiến sĩ trẻ dân tộc Nùng đam mê nghiên cứu khoa học

Đam mê và dày công nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật ở nhiều lĩnh vực, gắn với thực tiễn địa phương, giành nhiều giải thưởng và trở thành Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, tiến sĩ trẻ Lục Quang Tấn đã và đang đóng góp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật tỉnh Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tiến sĩ, thầy giáo Lục Quang Tấn, dân tộc Nùng (sinh năm 1985) sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Tốt nghiệp Thủ khoa ngành sư phạm Hóa học tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2 năm 2008, tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội năm 2012, nhận bằng tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tháng 4/2016. Hiện anh đang là Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ 4, Trưởng Khoa các Khoa học liên ngành, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai.

Tiến sĩ trẻ dân tộc Nùng đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 1
 Tiến sĩ Lục Quang Tấn (ảnh giữa) cùng các cộng sự bên dự án khởi nghiệp.

Tiến sĩ Lục Quang Tấn là 1 trong 99 sinh viên thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc, được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen năm 2008, anh được giữ lại trường giảng dạy. Trong những năm công tác tại khoa Hóa học, trường ĐHSP Hà Nội 2, tiến sĩ Lục Quang Tấn tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ Đoàn trường, được biết đến là một cán bộ năng động, nhiệt huyết trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, có những đóng góp tích cực cho hoạt động Đoàn, Hội của nhà trường. Thời gian này, thầy giáo Lục Quang Tấn tích cực nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên của khoa tham gia nghiên cứu các đề tài. Nhiều năm liên tục, tiễn sĩ Lục Quang Tấn được Thành Đoàn Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.

Tháng 7/2016, tiến sĩ Lục Quang Tấn trở về quê hương Lào Cai làm việc. Tại Lào Cai, thầy Tấn đã nhận công tác tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên mới thành lập và đặt địa điểm tại tỉnh Lào Cai. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã được hình thành từ nhiều môi trường học tập, căn cứ vào đặc điểm tình hình cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, gắn lý luận với thực tiễn phát triển giáo dục, nông nghiệp tại địa phương còn nhiều khó khăn, tiến sĩ Lục Quang Tấn đã dành thời gian, tâm huyết, kinh nghiệm của mình vào những lĩnh vực nghiên cứu này. Đa số các lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo của tiến sĩ Lục Quang Tấn cùng đồng nghiệp từ lúc hình thành ý tưởng cho đến giai đoạn nghiên cứu và ứng dụng đều rất phù hợp với thực tiễn, đáp ứng không nhỏ nhu cầu của địa phương. Điển hình là các lĩnh vực giáo dục STEM, xây dựng, thiết kế phần mềm học tiếng Anh trực tuyến, hệ thống nông nghiệp thông minh, chế biến các sản phẩm từ dược liệu… Các sản phẩm từ các dự án nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào thực tế học đường và đời sống, được đông đảo học sinh, người dân sử dụng. Trong đó có phần mềm học tiếng Anh IOSTUDY, trà túi lọc từ các nguyên liệu nông nghiệp tại chỗ như tam thất, đinh lăng, quế. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, tiến sĩ Lục Quang Tấn cùng nhóm nghiên cứu đã thiết kế máy rửa tay sát khuẩn tự động, được đưa vào sử dụng hiệu quả.

Tiến sĩ trẻ dân tộc Nùng đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 2
Tiến sĩ Lục Quang Tấn là một người đam mê và truyền lửa nghiên cứu khoa học.

Các dự án do tiến sĩ Lục Quang Tấn cùng đồng nghiệp nghiên cứu đã được các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao, đoạt giải thưởng tại các Cuộc thi, Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nước. Trong đó, công trình “Xây dựng hệ sinh thái học tập tiếng Anh trực tuyến IOSTUDY” do TS. Lục Quang Tấn và các cộng sự Trần Đức Thắng, Nguyễn Thành Luân, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn đoạt giải thưởng công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục 2018” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, công trình đã được vinh danh trong “Sách vàng sáng tạo Việt Nam” năm 2020 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức công bố.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Lục Quang Tấn còn được nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu như giải Nhất lĩnh vực “Giáo dục và Đào tạo” tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ 6 (năm 2018-2019); giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019). Năm 2020, tiến sĩ Lục Quang Tấn cùng nhóm tác giả Giàng Seo Châu, Lê Hà Khương Anh đoạt giải Ba tại Cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2020 với dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây tam thất trồng ở Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai”.

Chia sẻ về công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án, tiến sĩ Lục Quang Tấn cho biết: “Để các dự án nghiên cứu khoa học đạt được thành công, trước hết người nghiên cứu phải xây dựng ý tưởng xuất phát từ thực tiễn đời sống. Người tham gia nghiên cứu cần có sự đam mê, truyền cảm hứng cho các cộng sự, dày công nghiên cứu cơ sở lý luận để giải quyết các vấn đề đặt ra trong mỗi dự án. Đặc biệt, để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc cách mạng 4.0 này đòi hỏi chúng ta phải sử dụng kiến thức liên ngành. Do đó, chúng ta cần không ngừng học tập để trau dồi kiến thức cũng như có phương pháp nghiên cứu phù hợp với từng vấn đề đặt ra thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn”. Bằng sự đam mê của bản thân, trong những năm qua, tiến sĩ Lục Quang Tấn đã dành tâm huyết cho nhiều dự án và trên 35 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời, thầy giáo Lục Quang Tấn luôn là người truyền cảm hứng cho những đam mê nghiên cứu khoa học của các sinh viên với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao.  

Tiến sĩ trẻ dân tộc Nùng đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 3
 Tiến sĩ Lục Quang Tấn (ảnh giữa) trong Lễ tuyên dương Giáo viên tiêu biểu cấp Trung ương lần 1.

Những kết quả đạt được trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo khoa học đã khẳng định sự nỗ lực, đam mê không ngừng của tiến sĩ Lục Quang Tấn đối với các vấn đề, các lĩnh vực đặt ra trong đời sống. Đồng thời, sản phẩm nghiên cứu từ các dự án của tiến sĩ Lục Quang Tấn đã góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, nâng cao chất lượng giáo dục STEM, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Giàng Seo Châu, dân tộc Mông, Bí thư Đảng uỷ xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, cộng sự dự án khởi nghiệp của tiến sĩ Lục Quang Tấn chia sẻ: “Tiến sĩ Lục Quang Tấn là một người nhiệt tình, trách nhiệm, có kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án khởi nghiệp. Trong quá trình thực hiện, tiến sĩ Tấn luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, cộng sự để mỗi người luôn nỗ lực, chung tay hoàn thiện các dự án”. 

Trong những năm qua, tiến sĩ Lục Quang Tấn đã được Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2018, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018, 2019, 2021; Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương lần thứ 1, năm 2019; danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ năm học 2021-2022; Bằng khen của UBND tỉnh Lào Cai; Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiến sĩ Lục Quang Tấn là 1 trong 8 tài năng trẻ của tỉnh Lào Cai được tuyên dương tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3, năm 2020. Đặc biệt, Tiến sĩ Lục Quang Tấn đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2021.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw