Anh Hoàng Văn Cốp, sinh năm 1992, cư trú tại xã Yên Sơn (huyện Bảo Yên) là lao động làm thuê cho một công ty xây dựng ở thành phố Lào Cai. Do kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã cắt giảm nhân lực, trong đó có anh Cốp. Vì chưa tìm được công việc mới nên anh Cốp đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) nộp hồ sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp. Tại quầy giao dịch, anh Cốp nhanh chóng được nhân viên hướng dẫn khai thông tin làm thủ tục.
Anh Cốp tâm sự: Tôi đã tra cứu thủ tục hành chính trên cổng thông tin của trung tâm, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa hiểu rõ. Khi trực tiếp đến làm thủ tục, tôi được cán bộ phụ trách hướng dẫn và hoàn thiện các thủ tục cần thiết, lấy giấy hẹn chờ kết quả.
Cũng làm việc tại một công ty xây dựng ở thành phố Lào Cai và nghỉ việc từ tháng 8/2022, chị Đỗ Thị Kim Chi, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) đã làm hồ sơ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, chị nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp do Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ký với số tiền 2,52 triệu đồng/tháng, hưởng trợ cấp 4 tháng, bắt đầu từ tháng 9/2022. Chị Chi cho biết, trong thời điểm chưa có việc làm và đang nuôi con nhỏ, nhận được tiền hỗ trợ sẽ giúp gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không chỉ nhận được hỗ trợ, chị Chi còn được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai tư vấn việc làm tại một số đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng phù hợp với trình độ kế toán của chị. Cán bộ trung tâm còn cung cấp cho chị thông tin mô tả công việc, chế độ làm việc, mức lương được nhận cũng như các khoản đãi ngộ khác. Chị Chi bộc bạch: Tôi rất vui khi nhận được sự tư vấn công việc kịp thời. Tôi sẽ cân nhắc lựa chọn công việc mới, phù hợp.
Mỗi ngày, bộ phận một cửa của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai giải quyết khoảng 60 - 100 hồ sơ lao động, trong đó có nhiều hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, nhân viên trung tâm cho biết: Trung bình mỗi cán bộ của trung tâm tiếp nhận 10 - 20 hồ sơ trong ngày. Tuy số lượng hồ sơ nhiều nhưng điều này không quá khó khăn, do việc lưu trữ thông tin hồ sơ người lao động được thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, thuận lợi cho việc tra cứu, từ đó hướng dẫn quy trình thủ tục nhanh chóng.
Trong 2 năm (2020 - 2021), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, không bố trí được việc làm cho người lao động nên lượng người nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng. Bà Mai Thị Hằng, Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai) cho biết: Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Lào Cai tăng mạnh, đặc biệt năm 2021 tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch, với hơn 2.500 hồ sơ.
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới cuộc sống của người lao động, nhiều người mất việc làm do các đơn vị, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là “cơ hội” để nhiều người lao động tìm hiểu về chính sách. Hiện dịch bệnh đang được kiểm soát, kinh tế từng bước phục hồi, lượng hồ sơ giảm so với năm trước, nhưng qua kiểm soát thông tin tại trung tâm cho thấy, nhiều người lao động đã biết đến chính sách nhân văn của Nhà nước, kịp thời làm hồ sơ, thủ tục để nhận hỗ trợ, giải quyết những khó khăn ban đầu. Trong 9 tháng năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai đã giải quyết hồ sơ cho 1.231 người, trong đó có 1.141 người đã có quyết định hưởng trợ cấp.
Đánh giá về công tác triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai cho biết: 100% người lao động đến đơn vị nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn quyền lợi và giải quyết chế độ đúng quy định của pháp luật. Trong nhiều năm, trung tâm không có đơn, thư khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến cán bộ làm chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi thông qua các phiên giao dịch việc làm tổ chức thường niên tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, đồng thời đăng tải trên các loại hình báo chí và thông tin trên các website, mạng xã hội để người dân hiểu hơn về chính sách.