Các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; 200 cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh.
Theo tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo, có 52 ý kiến bằng văn bản, 12 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị tập trung vào các vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính và chương trình, sách giáo khoa, cuộc thi...
Đối với nhóm các kiến nghị về đội ngũ, cơ bản các kiến nghị, đề nghị tập trung vào một số nội dung như: Khối lượng công việc nhiều, đề nghị giao bổ sung biên chế; tuy khối lượng công việc nhiều, thừa giờ nhiều nhưng không được thanh toán vượt mức làm thêm giờ theo quy định; đề nghị cấp có thẩm quyền tăng phụ cấp ưu đãi ngành nghề để nâng cao đời sống; có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đối với giáo viên.
"Hiện nay, có trẻ em khuyết tật tham gia học tại các cơ sở giáo dục công lập, tuy nhiên do thiếu giáo viên cùng các điều kiện giảng dạy đặc thù nên không đảm bảo để các em hoà nhập với môi trường học. Chính vì thế rất cần thiết xây dựng Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập để các em được học tập trong môi trường học tập phù hợp" - bà Nguyễn Thị Tô Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, thành phố Lào Cai ý kiến.
Đối với nhóm các ý kiến, kiến nghị về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách, tài chính, các đại biểu đề nghị tăng mức chi thường xuyên cho chỉ tiêu biên chế thuộc huyện loại 1 quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị quyết 28/2021-HĐND lên 20 triệu đồng/biên chế (hiện tại là 15 triệu đồng/biên chế); xây thêm phòng học bộ môn, nhà đa năng và các công trình phụ trợ cho các đơn vị trường học, đặc biệt là trường chuẩn quốc gia, trường PTDT bán trú và trường có học sinh bán trú; chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh thuộc các xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới...
Bà Bùi Thị Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Thắng cho biết: Trong 2 năm qua, huyện Bảo Thắng đã được đầu tư 37 công trình trường, lớp học, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm trường mầm non có cơ sở vật chất chưa đảm bảo, gây khó khăn cho công tác phổ cập trẻ mầm non 4 tuổi. Rất mong được quan tâm đầu tư bổ sung.
"Nhà trường có hơn 100 học sinh bán trú. Năm học mới, số học sinh này không còn được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về bữa ăn bán trú. Hiện tại, chúng tôi đang vận động phụ huynh đóng góp, tuy nhiên phần đông ý kiến không đồng tình do điều kiện kinh tế khó khăn. Đây sẽ là trở ngại lớn đối với việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của nhà trường" - ông Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nàn Sán, huyện Si Ma Cai ý kiến.
Đối với nhóm ý kiến về chương trình, sách giáo khoa, cuộc thi, tập trung đề xuất các nội dung: Nên thống nhất dùng chung 1 bộ sách giáo khoa để thuận tiện cho công tác tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cụm cũng như công tác kiểm tra, đánh giá trong toàn tỉnh; giảm bớt các cuộc thi cho cán bộ, giáo viên, học sinh; khó khăn trong dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
"Đề nghị bổ sung mức thưởng cho học sinh đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, sáng tạo khoa học quốc gia để động viên, khích lệ tinh thần đối với nhóm đối tượng học sinh này" - ông Ngô Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai nêu.
Tại hội nghị, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã trả lời, giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của đại biểu, đồng thời giao các sở, ngành nghiên cứu, rà soát lại một số vấn đề đại biểu nêu để tham mưu cho UBND tỉnh hướng giải quyết.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đánh giá cao các ý kiến, đề xuất, kiến nghị đầy tinh thần trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo. Đồng chí khẳng định: Sau hội nghị ngày hôm nay, Thường trực Tỉnh ủy sẽ có văn bản kết luận để giao các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, chỉ đạo giải quyết. Riêng đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của cấp huyện, đề nghị các đồng chí đại diện Thường trực UBND các huyện, thành phố, thị xã có mặt tại hội nghị tiếp thu, giải quyết.
Trong thời gian tới, để lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt các văn bản chỉ đạo, các thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về lĩnh vực giáo dục, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm và tổ chức thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy; tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp với đặc thù của từng địa phương và bảo đảm các điều kiện học tập của học sinh, gắn với việc tăng quy mô dân số tại các đô thị; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung chương trình, phương pháp dạy học, tích hợp kiến thức với các kỹ năng nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học, phù hợp với yêu cầu mới, bảo đảm mục tiêu giáo dục từng cấp học, bậc học. Tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường, cơ sở giáo dục; quản lý tốt việc dạy thêm - học thêm. Nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh chiến lược và cơ chế, chính sách trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 7/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Bí thư Tỉnh ủy cũng động viên cán bộ, công chức ngành giáo dục phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.