Những năm qua, ngày Kỹ năng lao động Việt Nam đã được các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động toàn quốc hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong việc nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sau 3 năm kể từ thời điểm công bố ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, tại Lào Cai, nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động của các cấp, các ngành và người dân đã có nhiều chuyển biến; phát triển kỹ năng nghề luôn được coi là động lực để phát triển nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và duy trì việc làm bền vững cho người lao động trong tỉnh. Một trong những giải pháp mà tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp là thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Hằng năm, Trường Cao đẳng Lào Cai đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam trên cơ sở bám sát, quán triệt đầy đủ và sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề gắn với phương châm “Nhân văn - kỹ thuật - hội nhập”. Trường Cao đẳng Lào Cai luôn chú trọng thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết giữa “3 nhà”, xác định rõ vai trò chủ thể, hằng năm trường đã phát động các phong trào thi đua học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và kỹ năng số nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của người học.
Đến nay, Trường Cao đẳng Lào Cai đã liên kết hợp tác với 80 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, các khu công nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải, dịch vụ, du lịch... tạo ra rất nhiều cơ hội cho sinh viên vừa học, vừa làm và nâng cao tay nghề.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Trong nội dung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, nhà trường sẽ mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho sinh viên; cử sinh viên thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp và cùng tham gia đánh giá kết quả học tập. Cùng với đó, nhà trường phối hợp doanh nghiệp trau dồi kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với người học, sau khi tốt nghiệp, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm; hợp tác tuyển dụng và hợp tác theo đơn đặt hàng.
Để thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của “3 nhà” và toàn xã hội, hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều giải pháp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn 2020 - 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động trên địa bàn nhằm nắm bắt nhu cầu sử dụng và tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề, qua đó kịp thời định hướng và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Đặc biệt, chuyển hướng đào tạo nghề từ cung sang cầu thị trường lao động, gắn với giải quyết việc làm trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời xúc tiến ký kết đào tạo nghề theo đơn đặt hàng giữa cơ quan quản lý nhà nước - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp có nhu cầu.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hằng năm, các nhà trường và doanh nghiệp phối hợp thực hiện cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động để cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp.
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia tích cực vào trong công tác giáo dục nghề nghiệp như phối hợp liên kết, đặt hàng đào tạo, tuyển dụng người học vào làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngay sau khi tốt nghiệp; xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình đào tạo; tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia đánh giá kết quả học tập của sinh viên; hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động xã hội; hợp tác khảo sát, đánh giá chất lượng chương trình, giáo trình đào tạo, chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp; phối hợp nắm bắt thông tin sinh viên về việc làm sau khi tốt nghiệp.
Hằng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cung ứng hơn 2.000 lao động cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh và các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa, Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác và chuỗi nhà hàng, khách sạn, hệ thống dịch vụ trong tỉnh.
Thời gian tới, ngành tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giữa các đơn vị. Các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả dự báo về cung - cầu sử dụng nhân lực làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề sát nhu cầu xã hội; năng lực đào tạo của đơn vị, ưu tiên tuyển sinh, đào tạo các nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Việc gắn kết chặt chẽ giữa “3 nhà” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp là hướng đi tất yếu để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động. Cùng với nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự gắn kết “3 nhà" để thúc đẩy hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhất là phát triển kỹ năng nghề trong thời gian tới.