Tờ Politico đưa tin 32 quốc gia thành viên NATO đã nhất trí đề cử Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng thư ký tiếp theo của liên minh, thay thế ông Jens Stoltenberg.
"Ông Mark Rutte sẽ là Tổng thư ký tiếp theo của NATO sau khi cả 32 thành viên của liên minh nhất trí rằng Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm sẽ thay thế ông Stoltenberg. Sau khi Hungary và Slovakia tuyên bố ủng hộ ông Rutte vào ngày 18-6, Romania cũng đưa ra sự ủng hộ tương tự vào ngày 20/6, với việc Tổng thống Romania Klaus Iohannis rút khỏi vị trí ứng cử lãnh đạo NATO", tờ báo viết.
NATO đưa ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận. Để trở thành lãnh đạo tiếp theo của NATO, ứng viên cần sự ủng hộ của toàn bộ 32 thành viên liên minh. Ngoài ông Rutte, Tổng thống Romania Klaus Iohannis cũng tuyên bố ứng cử vào chức vụ này vào tháng 3. Tuy nhiên trước ngày bỏ phiếu ông Iohannis lại tuyên bố rút khỏi việc ứng cử.
Ông Stoltenberg đã trở thành Tổng thư ký NATO vào năm 2014. Nhiệm kỳ của ông đã được gia hạn nhiều lần sau khi liên minh không tìm được người kế nhiệm. Nhưng năm nay, sau khi ông Stoltenberg nhấn mạnh ông không thể tiếp tục tại vị lâu hơn nữa, ông Rutte đã đứng lên tranh cử và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Anh, Đức và Pháp.
Ông Rutte bắt đầu tranh cử vào vị trí lãnh đạo NATO từ tháng 11-2023. Để trở thành lãnh đạo liên minh, một ứng viên cần nhận được đồng thuận từ tất cả các đồng minh. Với sự ủng hộ tuyệt đối từ các nước thành viên NATO, ông Rutte sẽ đảm nhận vai trò Tổng thư ký NATO vào tháng 10, sau khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của liên minh này vào tháng 7 tại Washington (Mỹ). Năm nay NATO cũng kỷ niệm 75 năm thành lập.
Tổng thư ký NATO tiếp theo sẽ phải đối mặt thách thức trong việc duy trì sự ủng hộ từ các thành viên cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Đồng thời, liên minh cũng phải tránh có động thái leo thang có thể đẩy khối vào một cuộc chiến với Moscow.
Tờ Politico lưu ý một trong những mục tiêu chính của ông Rutte là tăng chi tiêu quân sự của tất cả các quốc gia thành viên NATO lên 2% GDP. Ông Rutte đã không thể đưa chi tiêu quân sự của Hà Lan đáp ứng con số này trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình. Theo dữ liệu của NATO, Hà Lan sẽ chỉ đạt con số 2% trong năm nay. Tổng cộng 23 trong số 32 quốc gia thành viên sẽ đạt ngưỡng này trong năm 2024.
Ngoài việc tìm cách hỗ trợ Ukraine khi quốc gia này chưa trở thành thành viên chính thức của NATO, ông Rutte có thể phải đối mặt với loạt thách thức từ ông Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa và là đối thủ của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng hoài nghi về giá trị của NATO, thậm chí còn đề cập đến việc sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử trong bối cảnh có những lời phàn nàn về mức chi tiêu quốc phòng của các thành viên khác.
Theo Richard Grenell, cựu quyền giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, được cho là có mối quan hệ thân thiết với ứng viên Tổng thống Donald Trump cho biết, Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ là người lựa chọn Tổng thư ký NATO, người đó có thể không phải là ông Rutte. "Ông Mark Rutte đã dành hơn 10 năm phá hoại Hà Lan bằng những lời hứa. Ông ta không trung thực và hiếu chiến", nhà bình luận chính trị người Hà Lan Eva Vlaardingerbroek nhận định về thông tin ông Rutte được bầu làm Tổng thư ký NATO.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ trích ông Rutte trong suốt 14 năm cầm quyền không hề giúp kinh tế Hà Lan phát triển, thậm chí nước này còn chưa hoàn thành mục tiêu tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP theo yêu cầu của NATO.