Cùng tham gia chuyến thị sát với Thủ tướng có lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Thủ tướng đi máy bay trực thăng khảo sát từ trên cao và hạ cánh khảo sát thực địa về tình hình sạt lở bờ biển Khu vực thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; khảo sát sạt lở tại khu vực biển Nhà Mát và cửa sông Gành Hào, ven biển tỉnh Bạc Liêu; khảo sát tại các khu vực Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), khu vực Hố Gùi (huyện Đầm Dơi) và khu vực Đất Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Sau khi khảo sát thực địa, tối cùng ngày, tại thành phố Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo các tỉnh về tình hình và công tác khắc phục sạt lở tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Theo báo cáo, tại tỉnh Cà Mau, hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh bị sạt lở khoảng 187/254 km; làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh).
Hiện tại, tỉnh có khoảng 31 km bờ biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm; khoảng 58km sạt lở nguy hiểm. Các đoạn này có tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 20m đến trên dưới 40m, chưa có kinh phí thực hiện.
Từ đó, Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số cơ chế đặc thù trong thực hiện các công trình phục vụ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; quan tâm hỗ trợ tỉnh huy động vốn thực hiện phòng, chống sạt lở.
Trước mắt, Cà Mau kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ từ các nguồn vốn phù hợp để xây dựng kè bảo vệ các đoạn bờ biển có vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; tổng chiều dài khoảng 89 km, kinh phí thực hiện khoảng hơn 3.400 tỷ đồng. Cùng với đó, kè bảo vệ 47 km bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, kinh phí 3.773 tỷ đồng; xây dựng 7 khu tái định cư để di dời gần 1.400 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở nói trên, kinh phí thực hiện khoảng 349 tỷ đồng…
Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng, sạt lở bờ sông, bờ biển lấn sâu vào bên trong đất liền, ảnh hưởng nghiêm trọng đất sản xuất và đời sống người dân. Trong đó, bờ sông xảy ra 80 đoạn sạt lở chiều dài gần 2.000m; nhiều đoạn rừng phòng hộ bờ biển không còn, sóng đánh trực tiếp vào chân đê gây nguy cơ vỡ rất lớn.
Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị T.Ư xem xét hỗ trợ các công trình cấp bách, phòng chống xâm thực, xoáy lở bờ biển, nâng cấp đê với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng.
Tại Bạc Liêu, từ năm 2015 đến đầu tháng 8 năm nay, trên địa bàn đã xảy ra 35 vụ sạt lở, làm thiệt hại và ảnh hưởng gần 200 căn nhà. Ước tính thiệt hại do các đợt sạt lở gây ra gần 23 tỷ đồng. Do đó, tỉnh kiến nghị T.Ư xem xét hỗ trợ khoảng 3.400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở cấp bách.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy tình hình sạt lở thực sự nghiêm trọng. Đối sách của chúng ta là phải giải quyết vấn đề cấp bách, trước mắt là sạt lở bờ sông, xâm thực, sạt lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn.
“Tôi đề nghị các địa phương phải rà soát, sơ tán sớm những hộ ở nơi có nguy cơ sạt lở cao, tránh để bị động, dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, đề nghị các tỉnh tiếp tục xử lý khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc các địa phương chủ động rà soát các dự án cần đầu tư và đề nghị tiếp tục làm quy trình hồ sơ về các dự án xử lý nơi đang sạt lở, có nguy cơ sạt lở, tính toán nguồn vốn cho phù hợp để các bộ, ngành xem xét xử lý, trong đó ưu tiên cho các dự án, công trình cấp bách, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
“Các tỉnh phải tính toán và nghiên cứu căn cơ đối với các dự án lớn, hướng đến nhiều mục tiêu như vừa ngăn sóng chống sạt lở, vừa làm đường giao thông, lấn biển tạo thêm quỹ đất, nhưng không để ảnh hưởng đến môi trường”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.