Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo 2024 khả năng đạt kỷ lục mới

Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua không có nhiều biến động. Giá xuất khẩu gạo giảm cùng chung xu hướng với các nhà xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, với kết quả xuất khẩu gạo tích cực từ đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 có thể đạt kỷ lục mới.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu mua lúa trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh tư liệu: Công Mạo/TTXVN
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu mua lúa trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh tư liệu: Công Mạo/TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,13 triệu tấn gạo. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 8 triệu tấn và sẽ vượt kỷ lục của 2023.

Theo các thương nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long, tuần qua gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 520-525 USD/tấn, thấp hơn mức 532 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân cho biết các thương nhân đang chờ đợi quyết định của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog), dự kiến sẽ được công bố vào ngày 3/11. Bởi, Bulog đã phát hành cuộc đấu thầu mới vào ngày 24/10. Đợt đấu thầu quốc tế lần này, Bulog sẽ mua khoảng 500.000 tấn gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.

Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm trong tuần này, xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do đồng rupee giảm giá và nguồn cung tăng.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được chào bán ở mức từ 442 - 449 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2023 và giảm so với mức từ 450 - 484 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm được chào bán ở mức từ 449 - 455 USD/tấn.

Một thương nhân ở New Delhi cho biết, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo đã gia tăng sau động thái điều chỉnh thuế xuất khẩu của Ấn Độ. Người này cho hay nhu cầu vẫn mạnh, nhưng người mua đang tìm kiếm nguồn gạo với giá thấp hơn.

Các công ty xuất khẩu Ấn Độ đang hạ giá do đồng rupee suy yếu và nguồn cung vụ mới đang kéo giá lúa giảm. Đầu tháng này, Ấn Độ đã bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ và bỏ giá sàn đối với gạo trắng không phải giống basmati để thúc đẩy xuất khẩu.

Tại Bangladesh, các quan chức cho biết nước này đang xem xét giảm thuế nhập khẩu gạo hơn nữa do giá gạo trong nước tiếp tục tăng cao. Mặc dù đã có những điều chỉnh gần đây giúp giảm thuế, các thương nhân vẫn chưa mấy quan tâm, chủ yếu do chi phí nhập khẩu cao, vượt quá 65 Taka (0,5462 USD)/kg. Để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này và giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, các quan chức đang đề xuất giảm thuế nhập khẩu gạo xuống 5%.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống còn từ 485 - 495 USD/tấn, từ mức 510 USD/tấn của tuần trước. Các thương nhân cho rằng nguyên nhân là do đồng baht yếu và biến động tiền tệ. Một thương nhân ở Bangkok cho biết, gần đây, do gạo Thái Lan rẻ hơn nên có cơ hội thắng thầu từ Indonesia.

Bốc xếp gạo Việt Nam xuất khẩu. Ảnh tư liệu: TTXVN
Bốc xếp gạo Việt Nam xuất khẩu. Ảnh tư liệu: TTXVN

Về thị trường trong nước, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 6.700 – 7.100 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 7.300 – 7.600 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; OM 380 dao động 7.000 - 7.200 đồng/kg; OM 18 từ 8.400 – 8.500 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.000 đồng/kg…

Giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 10.600 - 10.700 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.550 - 12.650 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.900 - 9.600 đồng/kg. Giá tấm OM 5451 đang ở mức từ 9.300 - 9.600 đồng/kg; giá cám khô từ 6.700 - 6.800 đồng/kg.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 1/11, giá ngô giao dịch kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) Chicago tăng cao hơn nhờ đà tăng nhu cầu xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Trong khi đó, giá đậu tương kỳ hạn đã quay đầu giảm trong giao dịch biến động, sau khi đi lên vào đầu phiên. Giá lúa mỳ kỳ hạn cũng giảm khi những trận mưa tại các vùng khô hạn của Mỹ đè nặng lên giá cả.

Nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ là nhân tố hỗ trợ giá đậu tương và ngô khi nông dân Mỹ có vụ thu hoạch lớn nhất trong lịch sử đối với một số loại cây trồng. Nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đã tăng lên sau khi những dự đoán về những mùa mùa bội thu làm giảm giá nông sản.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã xác nhận các giao dịch bán 781.322 tấn ngô Mỹ cho Mexico, trong đó có 715.800 tấn sẽ được giao trong niên vụ 2024-2025 (bắt đầu từ ngày 1/9) và 65.532 tấn còn lại sẽ được giao trong niên vụ 2025-2026. Ngoài ra, USDA cũng xác nhận giao dịch bán 30.000 tấn dầu đậu tương cho Ấn Độ, 132.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc và 198.000 tấn khác nhưng không công bố tên khách hàng. Tất cả các giao dịch này sẽ được giao trong năm niên vụ 2024-2025.

Chốt phiên 1/11, giá ngô giao tháng Mười Hai đóng cửa tăng 3,75 xu lên mức 4,145 USD/bushel, qua đó khép lại tuần vừa rồi với mức giảm 0,18%. Giá đậu tương giao tháng Một đã giảm 0,75 xu xuống 9,9375 USD/bushel và giá lúa mỳ giao tháng Mười Hai giảm 2,5 xu xuống 5,68 USD/bushel, qua đó khép lại tuần vừa rồi với mức giảm 0,17% (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Nông dân xã Ea Kao, TP Buôn Mê Thuột tập kết cà phê thu hoạch được để đưa vào phân loại chế biến. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Nông dân xã Ea Kao, TP Buôn Mê Thuột tập kết cà phê thu hoạch được để đưa vào phân loại chế biến. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Về thị trường cà phê, giá cà phê trong nước và thế giới đồng loạt giảm mạnh trong ngày 2/11. Cụ thể, tại châu Âu, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2024 giảm 85 USD/tấn, ở mức 4.284 USD/tấn, giao tháng 1/2025 giảm 67 USD/tấn, ở mức 4.214 USD/tấn.

Tương tự, tại Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 giảm 3,60 xu/lb, ở mức 242,30 xu/lb, giao tháng 3/2025 giảm 3,65 xu/lb, ở mức 241,85 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), sản lượng cà phê của Brazil - quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới - trong niên vụ 2024 - 2025 ước tính đạt gần 3,6 triệu tấn. Con số này tăng 4,8% so với niên vụ trước nhờ năng suất trung bình tăng 3,6% và diện tích trồng tăng 1,2%. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica ước đạt 2,5 triệu tấn, tăng 6,5%; còn Conilon đạt khoảng 1,06 triệu tấn.

Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (IOC), xuất khẩu cà phê của Brazil trong hai tháng đầu niên vụ 2024 - 2025 (tháng 7 và 8) đạt 451.000 tấn, tăng gần 12%, với kim ngạch đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta đạt gần 110.000 tấn, tăng 53%; Arabica đạt 294.000 tấn, tăng 2,5%, và phần còn lại là cà phê hòa tan.

Thời tiết thuận lợi tại Brazil đã dẫn đến sự giảm mạnh trên thị trường cà phê thế giới.

Ở trong nước, giá cà phê ngày 2/11 tại khu vực Tây Nguyên đồng loạt giảm. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk giảm 1.500 đồng/kg, đạt 107.700 đồng/kg. Giá cà phê tại Lâm Đồng cũng giảm 1.500 đồng/kg, đạt 107.300 đồng/kg.

Tương tự, giá cà phê tại Gia Lai giảm 1.500 đồng/kg, đạt 107.600 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Nông cùng diễn biến giảm 1.500 đồng/kg, đạt 107.700 đồng/kg.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Công tác giảm nghèo ở Bảo Thắng

Công tác giảm nghèo ở Bảo Thắng

Nhiều năm trước, gia đình bà Lương Thị Kim ở thôn Lạng, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng thuộc diện hộ nghèo khi cả 2 vợ chồng sức khỏe yếu, thiếu vốn sản xuất. Được sự động viên của cán bộ rồi thấy bà con trong thôn đều có thu nhập khá nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, gia đình bà quyết tâm thoát nghèo.

"Bệ phóng" cho hàng Việt sang UAE và Trung Đông

"Bệ phóng" cho hàng Việt sang UAE và Trung Đông

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) vừa được ký kết sẽ là “bệ phóng” cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang UAE và khu vực thị trường Trung Đông.

Chế biến sâu nâng cao giá trị dược liệu atiso Sa Pa

Chế biến sâu nâng cao giá trị dược liệu atiso Sa Pa

Với nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu trong phát triển cây dược liệu và thế mạnh chế biến sâu cây dược liệu atiso, thị xã Sa Pa đã từng bước nâng cao giá trị, thương hiệu của sản phẩm, góp phần ổn định thu nhập, cuộc sống cho người dân.

Ứng xử thế nào với các sàn thương mại điện tử hoạt động "chui"?

Ứng xử thế nào với các sàn thương mại điện tử hoạt động "chui"?

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị thu hút bởi các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhờ mức giá rẻ và sự đa dạng về mẫu mã. Bộ Công Thương đã triển khai nhiều động thái để tăng cường quản lý Nhà nước về TMĐT; trong trường hợp cần thiết có thể có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp với các nền tảng vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đồng vốn sinh lời từ mô hình kinh tế trang trại

Đồng vốn sinh lời từ mô hình kinh tế trang trại

Huyện Bảo Thắng hiện có 118 trang trại theo chuẩn tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó nhiều trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao, lãi tiền tỷ mỗi năm. Theo chia sẻ của các chủ trang trại, hầu hết xuất phát điểm của họ đều vay vốn ngân hàng, trong quá trình phát triển, đồng vốn được sử dụng hiệu quả đã sinh lời, tạo giá trị lớn.

Kết nối giao thương hàng nông - lâm - thủy sản: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc

Kết nối giao thương hàng nông - lâm - thủy sản: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc

Thị trường Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại, xuất - nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản. Hội nghị xúc tiến kết nối xuất - nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản năm 2024 tổ chức tại Lào Cai chiều 1/11 với hơn 70 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham gia càng khẳng định điều đó qua nhận định, chia sẻ của một số đại diện doanh nghiệp hai quốc gia.

[Ảnh] Bản Xèo nhộn nhịp mùa thu hoạch dong riềng

[Ảnh] Bản Xèo nhộn nhịp mùa thu hoạch dong riềng

Cây dong riềng bén rễ ở xã Bản Xèo huyện Bát Xát từ rất lâu và đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Năm nay, cây dong riềng lần đầu vượt nhiều dấu mốc quan trọng như diện tích, năng suất và giá bán.

[Ảnh] Thăm gian trưng bày tại Hội nghị xúc tiến kết nối xuất - nhập khẩu nông - lâm - thủy sản

[Ảnh] Thăm gian trưng bày tại Hội nghị xúc tiến kết nối xuất - nhập khẩu nông - lâm - thủy sản

Hội nghị xúc tiến kết nối xuất - nhập khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 được tổ chức tại Lào Cai có 29 gian hàng trưng bày, giới thiệu gần 100 sản phẩm nông sản đặc sản các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Phòng, Nam Định, Sơn La, Lâm Đồng, Hà Nội. Đây là những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

fbytzltw