Khai mạc Paralympic Paris 2024
Ngày 28/8, tại quảng trường Concorde ở thủ đô Paris, lễ khai mạc Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic Paris 2024) diễn ra lúc 20 tối (tức là 1h sáng 29/8 giờ Việt Nam) với những màn trình diễn chưa từng thấy trước đây và cũng không kém phần sôi động, hấp dẫn so với lễ khai mạc Olympic trên sông Seine.
Sau thành công của lễ khai mạc Olympic, giờ là lúc Thế vận hội Paralympic Paris 2024 tỏa sáng. Nước Pháp đã chọn khẩu hiệu "Games Wide Open" cho Olympic và Paralympic 2024, với tinh thần rộng mở để hòa nhập hơn, hữu nghị hơn và đẹp tươi hơn. Và tinh thần ấy một lần nữa sẽ được thắp lên với ngọn lửa Paralympic 2024.
Vẫn do Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly dàn dựng, buổi lễ một lần nữa phá vỡ tính truyền thống của các nghi lễ khai mạc, khi được tổ chức ở trung tâm Paris chứ không phải ở sân vận động như thường lệ.
Với chủ đề "Cuộc diễu hành," lễ khai mạc là màn di chuyển từ Khải hoàn môn qua Đại lộ Champs-Elysées huyền thoại đến quảng trường Concorde của 184 đoàn thể thao với 4.400 vận động viên khuyết tật, trong đó có gần 2.000 vận động viên nữ. Theo Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC), đây là những con số kỷ lục kể từ khi ra đời Paralympic.
Paralympic Paris 2024 diễn ra trong bối cảnh khai giảng năm học mới ở Pháp và đời sống chính trị trong nước đang có nhiều biến động xoay quanh kế hoạch thành lập một chính phủ mới. Tuy nhiên, gác lại những lo âu, người dân Pháp vẫn đang đón đợi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật, lần đầu tiên được tổ chức trên quê hương của họ. Dự kiến, khoảng 4 triệu lượt người sẽ xem các trận thi đấu, trong đó 90% là người Pháp.
Báo động tình hình nhân đạo tại Gaza
Ngày 29/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp mở về tình hình Trung Đông, tập trung vào tình hình nhân đạo tại Gaza, theo yêu cầu của Thụy Sĩ và Anh.
Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã nghe Quyền Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya đọc báo cáo tóm tắt tình hình nhân đạo tại Gaza sau hơn 10 tháng nổ ra xung đột giữa Israel và Hamas.
Xung đột gây tổn thất lớn về người, với hơn 1.000 người Israel thiệt mạng, 108 con tin người Israel còn đang bị giam giữ. Về phía Palestine, hơn 40.000 người thiệt mạng và hơn 93.000 người bị thương ở Gaza, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Bà Msuya nhận định nỗ lực và hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Gaza gặp thách thức nghiêm trọng. Lệnh sơ tán được Israel ban hành với số lượng tăng kỷ lục trong vài tuần gần đây đã gây ảnh hưởng lớn đến dân thường Gaza và các đội cứu trợ. Có đến hơn 88% diện tích lãnh thổ Gaza thuộc diện phải sơ tán, đẩy các cộng đồng dân cư phải sống trong tình cảnh bấp bênh. Theo bà, người dân Gaza gặp vô vàn khó khăn, sống đông đúc, tập trung vào diện tích lãnh thổ ít ỏi còn lại, thiếu thốn nước sạch, điều kiện chăm sóc y tế. Họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước uống, không nhà cửa...
Đề cập nhiệm vụ trước mắt, bà Msuya nhấn mạnh nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng phòng chống bại liệt cho trẻ em Gaza - căn bệnh mà thế giới từng cho rằng đã kiểm soát được. Theo bà, cần phải bảo đảm an ninh và các tuyến đường mở thông tới các địa điểm tiêm chủng để ngăn chặn thảm họa dịch bệnh, cùng với đó là mở cửa cho hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Tại cuộc họp, đại diện các nước đồng tình với báo cáo do bà Msuya trình bày, bày tỏ quan ngại về diễn biến leo thang bạo lực ở Bờ Tây, tái khẳng định sự cần thiết phải thiết lập một lệnh ngừng bắn, phóng thích con tin, mở thông các hành lang an toàn cho hoạt động nhân đạo và lâu dài là thực thi giải pháp hai nhà nước.
Làn sóng biểu tình bạo lực tại Bangladesh khiến hơn 1.000 người thiệt mạng
Bộ trưởng Y tế lâm thời Bangladesh ngày 29/8 cho biết bạo lực nổ ra trong các cuộc biểu tình hồi tháng trước ở nước này đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, biến đây thành giai đoạn đẫm máu nhất trong lịch sử của đất nước Nam Á kể từ khi giành độc lập năm 1971.
Bạo lực nổ ra trong các cuộc biểu tình phản đối hạn ngạch việc làm trong khu vực công, sau đó leo thang thành căng thẳng chính trị.
Thủ tướng Sheikh Hasina đã phải từ chức và rời khỏi đất nước sang Ấn Độ vào ngày 5/8 ngay trước khi dinh thự của bà bị hàng trăm người biểu tình tấn công.
Biểu tình bạo lực kéo dài từ tháng 7 tới đầu tháng 8 ở Bangladesh cũng khiến chính quyền phải ban bố lệnh giới nghiêm, áp đặt thiết quân luật, đóng cửa trường học trên cả nước..., gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội.
Hiện Chính phủ lâm thời Bangladesh cho ông Muhammad Yunus - người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 điều hành.
Biểu tình bạo lực nổ ra tại Bangladesh từ tháng trước, do các nhóm sinh viên dẫn đầu nhằm phản đối hạn ngạch việc làm nhà nước. Các cuộc biểu tình đã dừng lại sau khi Tòa án Tối cao Bangladesh bãi bỏ hầu hết các hạn ngạch, theo đó cho phép các sinh viên có thành tích học tập tốt sau khi tốt nghiệp có thể nộp hồ sơ ứng tuyển vào 93% việc làm nhà nước mà không bị giới hạn bởi chế độ hạn ngạch. Tuy nhiên, sinh viên đã trở lại đường phố trong các cuộc biểu tình lẻ tẻ.
Châu Phi đảm bảo được gần 1 triệu liều vaccine đậu mùa khỉ
Ngày 28/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) thông báo đã đảm bảo được gần 1 triệu liều vaccine phòng đậu mùa khỉ (mpox) cho châu lục này, đồng thời hối thúc các hãng dược phẩm chia sẻ công nghệ sản xuất để chống lại căn bệnh này.
Phát biểu tại cuộc họp khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Cộng hòa Congo, Tổng giám đốc CDC Africa, ông Jean Kaseya xác nhận tổ chức này đang tiến gần đến mục tiêu đảm bảo 1 triệu liều vaccine phòng mpox cho châu Phi, đồng thời hối thúc hãng dược phẩm Bavarian Nordic chia sẻ công nghệ để sớm sản xuất được vaccine trong khu vực.
Đầu tháng này, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vì bệnh đậu mùa khỉ, với châu Phi hiện đang ở tuyến đầu của dịch bệnh. Theo WHO, Cộng hòa Dân chủ Congo hiện chiếm tới 90% số ca nhiễm được ghi nhận trong năm nay.
Trước tình hình này, một số quốc gia đã cam kết gửi vaccine đến các quốc gia châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, riêng Tây Ban Nha cam kết cung cấp 500.000 liều. Công ty dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch cũng sẽ hỗ trợ 215.000 liều vaccine. Trong tuần qua, Đức thông báo sẽ tặng 100.000 liều vaccine phòng bệnh mpox từ kho dự trữ quân sự của nước này để hỗ trợ các nước châu Phi khống chế sự bùng phát dịch bệnh này trong ngắn hạn cũng như cung cấp viện trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng.
Hiện mpox đang lây lan ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng với chủng đặc hữu Clade 1 và một biến thể mới được gọi là Clade 1b gây quan ngại toàn cầu do có khả năng dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần. Theo WHO, tính đến ngày 25/8, châu Phi đã có 5.281 trường hợp xác nhận mắc mpox.
Mexico đình chỉ quan hệ với các Đại sứ quán của Mỹ và Canada
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 27/8 tuyên bố tạm đình chỉ mối quan hệ với Đại sứ quán Mỹ và Đại sứ quán Canada tại Mexico sau khi đại sứ hai nước này lên tiếng chỉ trích kế hoạch cải cách tư pháp do ông khởi xướng. Tổng thống Obrador cho rằng đây là hành động vi phạm chủ quyền và quyền tự quyết của Mexico.
Tổng thống Obrador nêu rõ quyết định của Chính phủ Mexico về việc tạm dừng mối quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ và Canada sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Mexico với hai nước láng giềng ở khu vực Bắc Mỹ.
Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Mexico Ken Salazar đã lên tiếng phê phán chương trình cải cách tư pháp do Tổng thống Obrador khởi xướng, đồng thời cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn nảy sinh từ chương trình này đối với quan hệ thương mại Mỹ - Mexico.
Ngay sau đó, Đại sứ Canada tại Mexico Graeme C. Clark cũng đưa ra những nhận xét tương tự, trong đó nhấn mạnh tới những rủi ro đối với quan hệ thương mại trong bối cảnh 3 nước là thành viên của Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Cải cách tư pháp hiện là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống sắp mãn nhiệm Obrador. Dự kiến, Quốc hội khóa mới của Mexico sẽ bỏ phiếu về đề xuất cải cách vào tháng tới. Theo quy định, nếu nhận được sự ủng hộ của 2/3 tổng số nghị sỹ Quốc hội, đề xuất trên sẽ được thông qua.