Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Phát biểu trong một tuyên bố chính thức ông bày tỏ: “Từ Buenos Aires đến Rome, Giáo hoàng luôn mong muốn giáo hội mang niềm vui và hy vọng đến với những người nghèo khổ, sự gắn kết giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Nguyện cho niềm hy vọng ấy không ngừng được phát triển sau sự ra đi của ông".
Ông Friedrich Merz, người sắp trở thành Thủ tướng Đức cũng bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của mình trên trang X: "Sự ra đi của Giáo hoàng Francis khiến tôi vô cùng đau xót. Ngài sẽ mãi được nhớ đến vì những cống hiến không ngừng nghỉ dành cho những người yếu thế trong xã hội, cho công lý và cho hòa bình".

Giáo hoàng Francis thả chim bồ câu biểu tượng cho hòa bình khi ở Tbilisi, Georgia, vào tháng 9 năm 2016.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gửi lời chia buồn trên mạng xã hội X, khẳng định Đức Giáo hoàng đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt xa phạm vi của Giáo hội Công Giáo, bằng sự khiêm nhường và tình yêu thuần khiết dành cho những mảnh đời kém may mắn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông "vô cùng đau buồn" trước sự ra đi của Đức Giáo hoàng. "Trong giờ phút đau buồn và tưởng nhớ này, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới cộng đồng Công giáo toàn cầu. Đức Giáo hoàng Francis sẽ luôn được hàng triệu người trên thế giới nhớ đến như một ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và lòng dũng cảm về mặt tinh thần", ông viết trên mạng xã hội X.
Trên trang mạng xã hội X, Nhà Trắng cũng bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của Giáo hoàng với dòng trạng thái "Xin hãy yên nghỉ, Đức Giáo hoàng Francis" cùng với bức ảnh Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống JD Vance gặp Giáo hoàng. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis tại Vatican vào năm 2017 và phó Tổng thống JD Vance cũng đã có cuộc gặp mặt với Giáo hoàng chỉ một ngày trước khi ông qua đời.