Tháng 5 về mảnh đất biên giới Lào Cai với những ngày nắng lửa, rồi như chiều lòng người, tiết trời chuyển dịu mát hơn bởi những cơn mưa rào. Bao giờ cũng vậy, những ngày tháng 5, ngôi nhà nhỏ của ông Bùi Đức Hy (86 tuổi), ở phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) lại đông vui hơn bởi có nhiều người tới thăm và nghe ông kể về những kỷ niệm được gặp Bác Hồ.
Ông Bùi Đức Hy kể: Ngày 23 - 24/9/1958, Bác Hồ cùng phái đoàn của Chính phủ đến thăm mỏ Apatit tại Lào Cai; thăm cán bộ, công nhân thi công Nhà máy Nhiệt điện thị xã Lào Cai ở gần ga Phố Mới và trò chuyện với cán bộ, Nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang của tỉnh. Khi Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Mỏ Apatit và đồng bào các dân tộc tại khu vực sân vận động của mỏ, hôm đó, quảng trường chật ních người và vô cùng sôi động bởi tiếng hò reo, nhưng khi giọng nói ấm áp của Bác vang lên, tất cả đều im lặng.
Bác dặn dò cán bộ, công nhân Mỏ phải làm chủ nhà máy, xí nghiệp, học tập kinh nghiệm các chuyên gia Liên Xô để sử dụng thành thạo thiết bị, máy móc, khai thác nhiều tài nguyên làm giàu cho Tổ quốc. Lời dặn của Bác trở thành động lực để tôi nỗ lực cống hiến, phát huy sáng kiến góp phần cùng cán bộ, kỹ sư, công nhân xây dựng Công ty Apatit Việt Nam trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” vào tháng 3/2009. Trong cuộc sống, tôi luôn nhắc nhở các con, các cháu phải nỗ lực, chăm chỉ học tập, cống hiến theo gương Bác Hồ.
Cùng với nghe câu chuyện ông Bùi Đức Hy kể về lần được gặp Bác Hồ, tôi cũng có dịp trò chuyện với một nhân chứng khác được gặp Bác Hồ là ông Hoàng Tiến Xiêm, dân tộc Dao họ, thôn Tân Trúc, xã Tân Thượng (huyện Văn Bàn).
Trong câu chuyện, ông Xiêm xúc động: Đầu tháng 9/1963, khi tôi là Bí thư Chi bộ xã Tân An đã vinh dự được về Hà Nội dự tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 18 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình và được gặp Bác Hồ. Buổi chiều ngày 1/9/1963, Bác đến hội trường trò chuyện với 130 đại biểu các tỉnh và dự tiệc chiêu đãi cùng mọi người. Tôi mặc trang phục dân tộc Dao họ và đứng gần cửa nên may mắn được Bác đến nắm tay và hỏi chuyện đầu tiên. Bác bảo: “Cán bộ thì phải cày ruộng chỗ khó, chỗ lầy, còn chỗ gần để cho phụ nữ, người yếu sức”. Đến bữa tiệc liên hoan, nhìn bữa cơm độn ngô với những món ăn quen thuộc, Bác nói: “Bác cháu mình phải thắt lưng buộc bụng còn tập trung cho đồng bào miền Nam giải phóng đất nước”. Lần đầu tiên được gặp Bác, nghe bác nói chuyện, tôi cảm nhận Bác giản dị và gần gũi vô cùng.
Sau lần vinh dự được về Hà Nội gặp Bác Hồ, ông Hoàng Tiến Xiêm luôn khắc ghi lời Bác dạy, hăng hái cống hiến, cùng bà con nỗ lực lao động, sản xuất, biến vùng đất Tân An cằn cỗi trở thành vùng trồng các loại cây như chuối tiêu, dứa, ý dĩ… đóng góp sức người, sức của ủng hộ miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Tân An được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nay ở tuổi 84, ông Hoàng Tiến Xiêm bảo: Trong những năm tháng gian khó, vất vả nhất của cuộc đời, nghĩ về những công lao to lớn và lời dạy của Người, tôi được tiếp thêm động lực để vượt qua tất cả.
Trong bầu không khí hân hoan cả nước hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), câu chuyện về những người vinh dự được gặp Bác Hồ khiến chúng tôi xúc động. Điều đáng nói, không chỉ đối với những người may mắn được gặp Bác Hồ, mà ngay cả khi Bác đã đi xa, tình yêu và sự kính trọng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lan tỏa từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ở các trường học luôn sôi nổi.
Ngược đường dốc quanh co lưng núi, chúng tôi đến Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tả Củ Tỷ 1, ngôi trường xa nhất của huyện Bắc Hà. Những ngày tháng 5, thầy và trò nhà trường cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc và về Bác kính yêu. Học sinh rất hào hứng với những câu chuyện về Bác Hồ, đặc biệt là khi các thầy, cô giáo giới thiệu mô hình “Người đi tìm hình của nước”. Đây là sản phẩm của thầy và trò nhà trường đoạt giải Nhì trong Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lào Cai năm học 2021 - 2022.
Thầy giáo Lê Văn Chung, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tả Củ Tỷ 1 tâm sự: Tác phẩm mượn tên bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên, kết hợp với âm thanh, hình ảnh giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu về quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ từ năm 1911 đến khi Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945. Qua quá trình sáng tạo tác phẩm và những bài học liên quan đến mô hình, học sinh thêm tự hào, biết ơn và học được nhiều điều từ tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến vùng đất Sa Pa mờ sương, chúng tôi rất ấn tượng với những thành tích học tập và làm theo lời dạy của Bác của học sinh nơi đây. Ngược dòng lịch sử, ngày 19/11/1946, dù bận nhiều công việc nhưng sau khi nhận được lá thư và 2 chiếc gậy thiếu nhi Sa Pa kính tặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi nhi đồng Xã Ba (Sa Pa), trong thư, Bác viết: “Bác khuyên các cháu giữ gìn kỷ luật và ra sức học hành. Cháu nào chưa biết chữ Quốc ngữ, phải học cho biết. Cháu nào biết rồi, thì gắng giúp anh em, chị em học cho biết”. Lá thư của Bác được điêu khắc trang trọng trên đá xanh của công trình kiến trúc “Đài sen thư Bác” đặt tại vị trí đẹp nhất trong vườn hoa Xuân Viên, trung tâm thị xã Sa Pa.
Nhà giáo Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: Các trường học ở Sa Pa luôn khích lệ học sinh thi đua vượt khó học tập theo lời Bác dạy. Vừa qua, Trường Tiểu học Sa Pa có 2 học sinh đoạt giải Nhất, giải Nhì cuộc thi Trạng nguyên tiếng Việt cấp quốc gia năm học 2022 - 2023 là em Đỗ Nhật Uyên và em Nguyễn Ngọc Linh, lớp 5A3. Trong năm học trước, thị xã Sa Pa có 21 học sinh đoạt giải tại cuộc thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh (1 giải Nhất, 2 giải nhì, xếp thứ 5 toàn tỉnh); 38 học sinh thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh (đứng thứ 2 toàn tỉnh); 5 học sinh thi đỗ vào THPT Chuyên (xếp thứ 5 toàn tỉnh, tăng 2 bậc so với năm trước). Đó là những thành tích tự hào ngành giáo dục Sa Pa kính dâng lên Bác Hồ.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương cống hiến và hy sinh cho dân tộc, tình yêu thương cùng những lời dạy của Người luôn là ngọn đuốc rực sáng soi đường cho thế hệ sau tiếp tục dựng xây, bảo vệ đất nước. Đó cũng là tấm gương sáng để mỗi người tự soi, tự sửa, tự nhủ phải sống, lao động và học tập sao cho xứng đáng là con cháu của Bác Hồ.