LCĐT - Sáng 18/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch vùng trồng và hệ thống cơ sở chế biến quế; tham vấn các giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, phát triển bền vững chuỗi giá trị quế tỉnh Lào cai.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các huyện Trấn Yên, Văn Yên (Yên Bái); đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố và các xã trong vùng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu quế của tỉnh Lào Cai; các doanh nghiệp tham gia chế biến và sản xuất quế trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Theo đánh giá của ngành chức năng, đến hết năm 2017, tổng diện tích quế toàn tỉnh đạt trên 23.448 ha, đạt 93,8% so với quy hoạch của tỉnh đặt ra đến năm 2020. Trong đó có trên 6.000 ha trong độ tuổi khai thác, trên 5.000 ha có thể tỉa thưa, 12.236 ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở chưng cất dầu thủ công quy mô vừa, 2 nhà máy chế biến sản phẩm từ cây quế, hơn 40 cơ sở thu mua cành, lá, vỏ quế. Cây quế đang đem lại thu nhập cao cho các hộ dân. Hiệu quả kinh tế ước đạt 580 triệu đồng/ha/chu kỳ, trung bình thu nhập của người trồng quế đạt khoảng 38 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 2 lần so với cây lấy gỗ khác.
Hiện, năng suất quế của Lào Cai còn thấp do người dân mới chỉ trồng quế theo kiến thức bản địa, chưa áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quế. Công tác quản lý giống tại các địa phương trong vùng quy hoạch còn lỏng lẻo, việc tiêu thụ sản phẩm quế (vỏ, lá) phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chưa có tổ chức, hiệp hội người sản xuất quế. Chất lượng sản phẩm quế chưa cao, mới chỉ chú trọng vào sản lượng, chưa tập trung vào chất lượng, mẫu mã chưa đẹp, chưa đa dạng; Sản phẩm gỗ quế mới chỉ được tiêu thụ tại chỗ, việc vận chuyển cành, lá quế hiện khá cồng kềnh, gây khó khăn trong hoạt động lưu thông; chưa có các lớp đào tạo nghề cho nông dân trong việc trồng, chế biến các sản phẩm từ quế...
![]() |
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho hội thảo. |
Hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu vùng quế hữu cơ, phát triển ngành quế theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và tìm đầu ra thuận lợi hơn cho các sản phẩm từ quế, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Bàn về chiến lược, thực hiện giải pháp, định hướng nội dung, kế hoạch hành động để quế Lào Cai trở thành sản phẩm quốc gia; Những mục tiêu, giải pháp, kế hoạch hành động cho việc liên kết thị trường, liên kết vùng để nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng quế Lào Cai và các tỉnh bạn; Xác định cơ hội, thách thức về vai trò, vị thế kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị ngành hàng quế...
![]() |
Tập huấn sơ chế vỏ quế tại xã Nậm Đét (Bắc Hà). |
Hầu hết các ý kiến trong hội thảo cho rằng, muốn nâng cao giá trị ngành hàng quế, trước hết tỉnh, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo nông dân trồng quế đúng vùng quy hoạch; Việc liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh; Cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ của tỉnh; Thúc đẩy liên kết giữa các tổ, nhóm đồng sở thích trồng quế, liên kết vùng (cụ thể như liên kết với vùng quế Văn Yên - Yên Bái).
Đặc biệt, về lâu dài, tỉnh cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng quế hữu cơ của các địa phương; Thành lập hiệp hội trồng quế, sản xuất và chế biến quế, đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến tinh dầu, tránh sự phát triển ồ ạt dẫn đến việc cạnh tranh thu mua sản phẩm không lành mạnh; Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần quản lý chặt chẽ nguồn giống quế, tổ chức các lớp chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh trên cây quế...