
Bộ Lao động Thái Lan cho biết trước tình trạng ngày càng nhiều lao động người nước ngoài làm việc bất hợp pháp trong 27 ngành nghề chỉ dành cho công dân Thái Lan, cần thiết phải siết chặt quản lý để đảm bảo lợi ích và cơ hội việc làm cho người lao động bản địa.
Bên cạnh đó, ủy ban này cũng có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan điều tra và xử lý các vấn đề lao động cưỡng bức và bóc lột trẻ em. Ủy ban gồm 15 thành viên bao gồm đại diện từ các cơ quan: Bộ lao động, Văn phòng Tổng chưởng lý và Ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia.
Bộ Lao động Thái Lan cho biết thêm, 27 ngành nghề được bảo hộ, chỉ dành cho người lao động bản địa bao gồm: dịch vụ massage truyền thống, hướng dẫn viên du lịch, tư vấn pháp lý, bán hàng nhỏ lẻ và các nghề thủ công mỹ thuật (như chạm khắc gỗ, đá quý, kim cương)...
Trước đó, từ tháng 10/2024 đến tháng 6/2025, cơ quan chức năng Thái Lan đã phát hiện gần 4.500 người nước ngoài làm việc trong “danh mục cấm số 1” (bao gồm các ngành nghề: bán hàng nhỏ lẻ, massage truyền thống, thư ký và tài xế), với hơn 400 người đã bị xử phạt.
Cơ quan chức năng Thái Lan cũng phát hiện hơn 4.700 người nước ngoài làm việc trong “danh mục cấm số 3” bao gồm các ngành nghề: thợ xây, thợ mộc, xây dựng, nông nghiệp và đánh bắt cá, trong đó gần 60 người bị xử phạt.
Cơ quan chức năng Thái Lan kêu gọi người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động Thái. Trong trường hợp phát hiện người nước ngoài lao động bất hợp pháp hoặc làm việc trong các ngành nghề bị cấm, người dân cần gửi đơn khiếu nại đến Cục Quản lý lao động, thuộc Bộ Lao động Thái Lan.