Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 82 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 23 trường hợp tử vong. Cả nước cũng có 80.747 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 21 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam; so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 68,6%, tử vong tăng 18 trường hợp.
Đáng chú ý, tính đến ngày 13/9, tại Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên đã ghi nhận 17 trường hợp mắc bệnh bạch hầu vào điều trị, trong đó có ba trường hợp tử vong. Ngoài ra, cả nước ghi nhận 60 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 26 tỉnh, thành phố, tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và có nguy cơ lây lan, bùng phát thành dịch tại cộng đồng rất lớn.
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, thời gian gần đây, một số bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như sốt xuất huyết, tay chân miệng và đau mắt đỏ... có xu hướng gia tăng. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh tiến triển nặng, có dấu hiệu cảnh báo và đã có một số trường hợp tử vong.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 12/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.556 trường hợp mắc sốt xuất huyết, xảy ra tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có ba trường hợp tử vong; toàn tỉnh ghi nhận gần 1.300 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng, với 21 ổ dịch, trong đó có ba trường hợp tử vong.
Đáng lo ngại, những ngày gần đây sau khi học sinh tựu trường, số trẻ mắc bệnh nhập viện tăng cao, cao điểm từ 20 đến 30 ca/ngày. Phần lớn trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, biến chứng về thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn…
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bệnh đau mắt đỏ cũng đang có dấu hiệu bùng phát. Tính đến ngày 16/9, toàn tỉnh đã có 10.586 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 9.845 trường hợp mắc bệnh trong trường học.
Bác sĩ Ngô Văn Cường, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Từ khi học sinh bắt đầu tựu trường, mỗi ngày Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận khám và điều trị từ 40 đến 50 trường hợp đau mắt đỏ, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi bước vào năm học mới.
Phần lớn những trường hợp mắc bệnh là trẻ ở độ tuổi mầm non và học sinh.Không chỉ tại Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên mà tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên và tại các phòng khám tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột cũng như tại các địa phương, hằng ngày số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đau mắt đỏ tăng đột biến. Dịch đau mắt đỏ lần này là do vi-rút và vi-rút này không chỉ lây lan qua dịch tiết ở mắt mà còn lây lan qua cả đường hô hấp. Do vậy, những người bị đau mắt đỏ khi đến những nơi công cộng phải đeo khẩu trang, đeo kính để tránh lây ra cộng đồng.
Tại TP Hà Nội, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, toàn thành phố đã ghi nhận được gần 11 nghìn trường hợp mắc, trong đó có ba trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 100% số quận, huyện, thị xã; 533 trên tổng số 579 xã, phường, thị trấn. Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã. Trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận 1.518 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Ngoài ra, thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng. Số liệu thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương (Bộ Y tế) cho thấy: Những tuần gần đây, ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám thì có khoảng 30 ca đau mắt đỏ.
Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ. Nếu như các năm trước, khi mới bước vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám; thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được gia đình đưa đến khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Khác với tỉnh Đắk Lắk, TP Hà Nội, số ca bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có xu hướng giảm. Cụ thể, tính từ ngày 4 đến ngày 10/9 (tuần 36), số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm trên địa bàn thành phố, với 892 ca bệnh được ghi nhận. Sốt xuất huyết ghi nhận 351 trường hợp, giảm 10,6% so với trung bình bốn tuần trước đó.
Tuy nhiên, hiện đang trong mùa mưa, nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực, bệnh dễ có nguy cơ tăng trở lại, nhất là khi học sinh trên địa bàn thành phố tựu trường bước vào năm học mới. Trong khi đó, theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với những năm gần đây, với số ca mắc được ghi nhận hàng nghìn ca mỗi ngày, chủ yếu là trẻ em trong độ tuổi đi học.
Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Dự báo thời gian tới, nhất là vào mùa mưa bão và học sinh đã tựu trường, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng và đau mắt đỏ sẽ tăng cao nếu không có các biện pháp phòng chống và giải pháp kịp thời.
Do vậy, để các dịch bệnh truyền nhiễm không lây lan và bùng phát tại cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ theo hướng dẫn và khuyến cáo ngành y tế đưa ra.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Thảo (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Để phòng chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, nhà trường đã tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng học tập; khu vực bồn cây, sân chơi không để nước tù đọng nhằm triệt xóa nơi sinh sản của muỗi. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cấp dưỡng, nhân viên phục vụ bán trú, giáo viên các kỹ năng phòng chống bệnh truyền nhiễm; bố trí thầy, cô giáo hướng dẫn toàn bộ các em học sinh rửa tay, khử khuẩn rồi mới vào lớp học…
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng: Yếu tố quan trọng nhất trong phòng chống dịch hiện nay là việc giám sát chặt chẽ các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại những khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời; tổ chức tập huấn cho cán bộ các tuyến, nhất là tuyến cơ sở về công tác điều dưỡng, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh và công tác điều tra, giám sát phòng chống dịch bệnh.
Đối với bệnh đau mắt đỏ, hiện tại bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy người dân thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.