Trong số các nhiệm vụ được nêu, Tổng Bí thư đề cập: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Phóng viên TTXVN đã trao đổi các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa Hà Nội làm rõ hơn quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với vấn đề này và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa phát triển đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Được thành lập năm 1905, từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô.
Phát triển toàn diện công nghiệp văn hóa Thủ đô
Có nhiều năm gắn bó với văn hóa Hà Nội và dành sự quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc chính là một trong những phương hướng hoạt động trọng tâm của ngành Văn hóa cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Trong đó, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa được nhiều người quan tâm, nhất là khi Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa.
Để triển khai đường lối, chính sách phát triển văn hóa đề ra tại Đại hội XIII của Đảng và theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 22/02/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của Nghị quyết là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12/08/2022 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo ông Trương Minh Tiến, công nghiệp văn hóa thực chất là biến tiềm năng văn hóa thông qua hoạt động sáng tạo trở thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn, có giá trị để phục vụ thị trường, mang lại nguồn lợi về mặt kinh tế. Hà Nội có nhiều nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa, từ con người, tài nguyên văn hóa, vị thế của Thủ đô đến cơ chế, chính sách. Hiện nay, thành phố phát triển công nghiệp văn hóa tập trung vào các ngành có sẵn lợi thế như: Du lịch di sản hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí..., đồng thời quan tâm phát triển các ngành quảng cáo, điện ảnh, truyền hình và phát thanh, xuất bản, thời trang... Hơn nữa, Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO càng thuận lợi hơn cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Thành phố đã xây dựng được một số sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa như: Tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn lớn “Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa” (Monsoon Music Festival), Concert “Born Pink” của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”...; hay các tour du lịch văn hóa đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại Hoàng thành Thăng Long, “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, “Tinh hoa đạo học” tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám...; cùng các lễ hội văn hóa “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội”, “Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội”... Thành phố tập trung nguồn lực, tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa; đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo 579 di tích giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể...
Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội phát triển nhanh, ngoài việc triển khai các giải pháp chung, cần có những giải pháp đột phá như: Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo, Quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cơ chế ưu đãi đặc thù cho các tập đoàn, doanh nghiệp về công nghiệp văn hóa; có hình thức vinh danh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực về sáng tạo, về công nghiệp văn hóa; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để lĩnh vực này hoạt động tốt hơn, đặc biệt thúc đẩy hợp tác công - tư. Thành phố từng bước khơi dậy, khai thác sự sáng tạo, đam mê của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nhất là thế hệ trẻ thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp. Hà Nội cần tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất các sản phẩm văn hóa phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế...
Ông Trương Minh Tiến tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô sẽ từng bước đạt được những kết quả tốt đẹp, sớm hiện thực hóa được mục tiêu đề ra.
Chủ động đổi mới, xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc
Người lớn, trẻ em đều thích thú với các sản phẩm của làng nghề tò he truyền thống làng Xuân La, xã Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Nội).
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng, không chỉ xem là hồn cốt dân tộc, nền tảng tinh thần của xã hội mà văn hóa còn là nguồn lực trực tiếp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP. Bởi vậy, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa. Dù Tổng Bí thư chỉ nhắc ngắn gọn nhưng cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề này.
Thủ đô Hà Nội, nơi có bề dày văn hóa hàng ngàn năm nay, sở hữu tới 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề cùng rất nhiều hạ tầng văn hóa và là nơi quy tụ đông đảo nhà khoa học, các nghệ sĩ, nghệ nhân, giới sáng tạo. Đây là lợi thế lớn để phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa sẽ là bước đột phá trong phát triển văn hóa.
Hà Nội chú trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa, thể hiện qua việc ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Thành phố tổ chức nhiều hội nghị tham vấn các nhà nghiên cứu, giới khoa học trong nước và quốc tế về phát triển công nghiệp văn hóa. Chương trình phát triển công nghiệp văn hóa được triển khai rộng rãi đến các sở ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. Các hoạt động này cho thấy sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Hà Nội trong hoạt động này.
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu khẳng định, để triển khai Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, các đơn vị quản lý văn hóa tại Hà Nội đã chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng, góp phần tạo thương hiệu cho văn hóa Thủ đô và phục vụ nhu cầu của thị trường. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang từng bước xây dựng trở thành trung tâm sáng tạo của Hà Nội, vừa bảo tồn giá trị không gian kiến trúc, cảnh quan di tích, gìn giữ truyền thống đạo học và vừa thích ứng với xu thế mới. Nhiều hoạt động văn hóa sáng tạo được tổ chức được công chúng đánh giá cao. Mới đây, Trung tâm đưa vào hoạt động chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Sản phẩm mới dù mới nhưng đạt hiệu ứng cao, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý văn hóa khác xây dựng nhiều sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, làm phong phú giá trị của điểm đến, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Trên góc độ của đơn vị quản lý di sản, những nơi trực tiếp tạo nên các sản phẩm văn hóa, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, phát triển các sản phẩm văn hóa có thương hiệu, có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao là trách nhiệm, cũng là quyền lợi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngành văn hóa. Trước hết, chúng ta phải có nhận thức rõ ràng về công nghiệp văn hóa: Phát triển công nghiệp văn hóa đi vào thực chất, đảm bảo mọi sản phẩm, dịch vụ văn hóa đều trở thành những mặt hàng có giá trị thương mại cao, vận hành theo quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường. Một sản phẩm công nghiệp văn hóa đáp ứng được tốt nhu cầu của công chúng và đem lại giá trị khi được xây dựng dựa trên vốn văn hóa, sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ và vận hành chuyên nghiệp. Thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó quan trọng là tháo gỡ những vướng mắc trong hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa. Qua đó, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp văn hóa, huy động được các nguồn lực về tài chính, công nghệ, quản lý… cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, để đưa các sản phẩm mới đến công chúng, thu hút sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là những người trẻ, cần tập trung quảng bá, truyền thông trên các kênh thông tin. Khi đó, công nghiệp văn hóa sẽ có môi trường thuận lợi để phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố.