Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân còn lại do lũ cuốn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần ổn định đời sống của người dân, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động bình thường của đời sống xã hội, Bộ Công an đã và đang tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ứng phó với mưa, lũ.
Trong mưa bão, lực lượng Công an đã không quản khó khăn, nguy hiểm, cùng chính quyền địa phương và nhân dân sơ tán, di dời người dân, phương tiện, tài sản, nhất là tại các khu vực nguy hiểm, đến nơi an toàn; hướng dẫn, bảo đảm an toàn giao thông, không để người và phương tiện qua lại các vị trí không an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Ngay sau khi nước rút, lực lượng Công an lại đồng hành, chung tay cùng nhân dân đưa nhịp sống nhanh chóng trở lại bình thường. Không chỉ tham gia dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất, phòng, chống dịch bệnh…, lực lượng Công an cơ sở còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân các biện pháp an toàn trong sử dụng điện, phòng, chống cháy nổ; phối hợp với các Tổ an ninh trật tự ở cơ sở ứng trực, tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ để bảo đảm an ninh, an toàn trên địa bàn.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chủ động các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng tình hình bão, mưa lũ để hoạt động…
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết: Lực lượng Công an tại cơ sở đã nắm chắc địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời ứng phó, phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng bão, mưa lũ để vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản; xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh, trật tự, các hành vi đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật ảnh hưởng tới công tác phòng, chống bão lụt và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân; các hành vi trục lợi liên quan đến hỗ trợ đền bù thiệt hại; không để xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự.
Lực lượng Công an nắm chắc địa bàn, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, kịp thời ứng phó, phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng tình hình bão để vi phạm pháp luật như đầu cơ, trục lợi, đẩy giá, buôn bán hàng giả, các vi phạm về môi trường và các tội phạm về xâm phạm sở hữu...; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên các địa bàn. Đặc biệt, trên các tuyến sông và tại các khu vực vẫn bị ngập sâu trong nước, lực lượng Công an tiếp tục bố trí cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại; kiên quyết không để người và phương tiện lưu thông khi không bảo đảm an toàn; khắc phục các sự cố tàu bè, lồng cá của người dân trôi dạt, mắc kẹt trên sông, kịp thời thu hồi tài sản cho người dân, bảo đảm an toàn cho các công trình đang xây dựng trên sông cũng như lưu thông dòng chảy.
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật sau đợt bão, lũ, Công an tuyên truyền, khuyến cáo người dân, các cơ sở kinh doanh thực hiện cung ứng lương thực, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn; nâng cao ý thức cảnh giác, không tiếp tay cho hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật như: Găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,… Người dân không tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu để đầu cơ, tích trữ.
Tránh tình trạng "tiền của người tốt rơi vào tay kẻ xấu"
Công nhân giày da Công ty Giang Phạm (tỉnh Bình Dương) ôm thùng quyên góp đi khắp dây chuyền, sẻ chia tấm lòng vàng với đồng bào miền Bắc sau bão số 3.
Lợi dụng việc kêu gọi quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ lụt, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín, gọi điện thoại đến nhiều người kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai. Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân về các số điện thoại lạ gọi đến kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Trước tình trạng này, cơ quan Công an khuyến cáo mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Hiện nay, các đối tượng không chỉ gọi điện kêu gọi quyên góp mà còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo. Trước khi quyên góp, ủng hộ, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.
Phân tích về nguy cơ phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật, Luật sư Trần Thế Anh, Phó Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn XTVN cho rằng, trong thời điểm sau thiên tai, nhiều ngôi nhà bị bỏ lại khi người dân phải sơ tán. Hệ thống an ninh bị suy yếu do mất điện hoặc lý do khách quan, khiến các tài sản như tiền bạc, trang sức, thiết bị điện tử trở thành mục tiêu dễ dàng của kẻ trộm. Kẻ gian thường lợi dụng tình huống này để xâm nhập vào nhà, cửa hàng và các cơ sở kinh doanh để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý về tội phạm lừa đảo quyên góp, cứu trợ. Lợi dụng các chiến dịch quyên góp, cứu trợ cho người dân vùng bão lũ, có những kẻ giả danh các tổ chức từ thiện hoặc cơ quan nhà nước, lừa đảo người dân bằng cách hứa hẹn hỗ trợ tài chính hoặc thu gom tiền quyên góp nhưng không chuyển tới những người cần. Ngoài ra, thủ đoạn mà kẻ gian có thể giả dạng nhân viên cứu hộ, cứu trợ hoặc các đại diện từ cơ quan chính quyền đến tiếp cận gia đình hoặc cơ sở kinh doanh để trục lợi. Những đối tượng này có thể yêu cầu nộp tiền để được hỗ trợ nhanh hơn hoặc giả vờ cung cấp các dịch vụ khẩn cấp.
Để tránh kẻ gian lợi dụng cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ trở thành nạn nhân, chuyên gia về pháp luật này khuyến nghị một số những biện pháp người dân nên thực hiện như: Cất giấu tài sản có giá trị ở nơi đảm bảo an toàn, liên lạc với hàng xóm hoặc cơ quan chức năng để nhờ họ giám sát khu vực, sử dụng các thiết bị an ninh như camera hoặc hệ thống báo động nếu có điều kiện. Để tránh tình trạng "tiền của người tốt rơi vào tay kẻ xấu", người dân chỉ đóng góp hoặc nhận hỗ trợ từ các tổ chức có uy tín và đã được xác nhận. Ngoài ra, hiện nay những người có tấm lòng hảo tâm có thể đóng góp trực tiếp đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó là yêu cầu kiểm tra giấy tờ và danh tính của những người tự nhận là cơ quan chức năng trước khi cung cấp bất kỳ thông tin hay tài sản nào và luôn cảnh giác với những yêu cầu tài chính đột ngột, đặc biệt là từ các cá nhân không rõ danh tính.
Đồng thời, người dân cần báo cáo kịp thời các hành vi phạm tội, sẽ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý và giữ vững an ninh trật tự sau thiên tai.
Phòng, chống tin giả trên không gian mạng
Cơ quan chức năng huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) làm việc với Nguyễn Thị Quỳnh vì đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.
Trong thời gian phòng, chống bão số 3, hàng loạt tin giả liên quan đến vỡ đê, cắt điện, các thông tin sai lệch về tình hình bão lũ… xuất hiện trên mạng xã hội và lan truyền nhanh. Nhiều đối tượng tung tin giả đã bị xử phạt.
Điển hình, thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt về vỡ đê; tỉnh Phú Thọ cũng đã mạnh tay xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật về vỡ đê Yên Lập và lũ lụt tại Hạ Hòa; tỉnh Hải Dương đã xử lý 21 trường hợp tung tin giả về tình hình mưa lũ...
Điển hình mới đây, ngày 17/9, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với A.Q, trú tại xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam về hành vi sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân.
Xác định tài khoản Facebook “Đ.Q”, đăng tải thông tin sai sự thật, gây tâm lý lo sợ, hoang mang trong quần chúng nhân dân, đặc biệt trong tình hình cả tỉnh Hà Nam đang nỗ lực phòng, chống, khắc phục mưa lũ, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam đã làm việc với chủ tài khoản Facebook trên. Tại cơ quan chức năng, A.Q đã thừa nhận việc đăng tải thông tin, bình luận trên mạng xã hội Facebook là sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân và đã tự giác gỡ bỏ thông tin, bài viết, đồng thời cam kết không tái phạm.
Qua vụ việc, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội; theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước; không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác. Mọi hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật về tình hình thiên tai, bão lũ sẽ bị phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.