Dự hội nghị có đại diện lãnh một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2024, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là bão Yagi gây tổn thất nặng nề về người, hạ tầng và sản xuất. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ủy ban Dân tộc và Tỉnh ủy; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa HĐND, UBND tỉnh, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong năm 2024, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn huy động thực hiện các chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024 là hơn 1.922 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, 100% đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã đã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng; 100% đường từ trung tâm xã xuống trung tâm thôn, bản đã được cứng hóa bằng bê tông xi măng; 99,87% thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia là 97,62%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 95,2%. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 20.411 hộ, giảm 6,19% so với năm 2023… Tình hình an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, không có “điểm nóng”, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn cao; mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số ở nông thôn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; một số tập quán lạc hậu chưa được cải tạo triệt để...
Tại hội nghị, đại diện một số ngành, địa phương trong tỉnh đã thảo luận, tập trung vào các giải pháp, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con dưới 18 tuổi; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số..
Nhiệm vụ trong năm 2025, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh; tập trung nguồn lực, tranh thủ tối đa nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy và hoạt động hiệu quả ngay khi sáp nhập với Ban Tôn giáo; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, Nhân dân sau khi sáp nhập. Đặc biệt, để chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, Ban Dân tộc tỉnh cần có quan điểm của ngành về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp quy định; tập trung các giải pháp giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết các vấn đề liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con dưới 18 tuổi; đẩy nhanh giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia…