Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức.
Xin Bộ trưởng khái quát đôi nét về kết quả triển khai các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm qua?
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời cũng là năm thứ 3 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Ủy ban Dân tộc (UBDT) với chức năng quản lý nhà nước, là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình mục tiêu đã nỗ lực, tích cực triển khai các chính sách trên địa bàn toàn quốc.
Thứ nhất, chúng tôi quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, các chủ trương và hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước. Cụ thể đó là tập trung trọng tâm vào triển khai chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó đề ra giải pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát hoàn thiện hệ thống thể chế, các văn bản, Thông tư hướng dẫn để tổ chức triển khai chương trình.
Thứ hai, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở các địa phương thông qua việc tổ chức các hội nghị để tiếp thu ý kiến kiến nghị trong quá trình triển khai chương trình. Khi các địa phương nêu những khó khăn thì UBDT phối hợp với các bộ, ngành để giải đáp, tháo gỡ. Tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức thực hiện chương trình ở các địa phương trên cơ sở 10 dự án của Chương trình MTQG, tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức các cuộc kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ ở các địa phương. Đồng thời UBDT cũng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra của cơ quan chủ trì với các địa phương.
Thứ ba, UBDT đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành để xây dựng các báo cáo phục vụ Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình MTQG. Đồng thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến chính sách dân tộc.
Ngoài chương trình mục tiêu quốc gia, UBDT còn tham mưu cho Thủ tướng sửa đổi một số chính sách cho vùng đồng bào DTTS, cụ thể là Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín và một số đề án để thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2010 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ giao...
Nhìn lại năm 2023, chúng tôi thấy rằng các chủ trương, chính sách lớn và những nội dung mà Thủ tướng Chính phủ giao cho UBDT cơ bản đã hoàn thành.
Qua quá trình tổng kết, đánh giá, mặc dù khối lượng công việc rất lớn, thời gian thì ngắn, yêu cầu thì cao, địa bàn rộng và các chính sách có sự thay đổi phải điều chỉnh cả về mặt cơ chế, tháo gỡ khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp đã hết sức nỗ lực, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để triển khai tương đối có hiệu quả.
Trong quá trình triển khai, UBDT kết hợp việc triển khai chính sách với việc thực hiện an sinh xã hội, biệt với những vấn đề hiện còn đang khó khăn như: Về nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất; vấn đề giáo dục, y tế, sức khỏe và các lĩnh vực khác trên địa bàn toàn quốc…
Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, UBDT đã tham mưu với Đảng, Nhà nước thực hiện các chính sách này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách an sinh xã hội, cụ thể để giải quyết những vấn đề khó khăn của đồng bào và đã được tích hợp trong Chương trình MTQG. UBDT đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ các chính sách sẵn có. Bên cạnh đó, UBDT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu đánh giá lại hệ thống chính sách ASXH đối với đồng bào DTTS trên phạm vi toàn quốc và đã hoàn thành việc đánh giá để báo cáo tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về những kết quả này.
Để thực hiện chính sách ASXH trong thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng UBDT sẽ triển khai là huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là thực hiện chính sách ASXH. Chúng tôi nhận thấy đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Với vai trò trách nhiệm của mình, UBDT tham mưu cho Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương phương ngoài nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thì các địa phương luôn sẵn sàng dành các nguồn lực để hỗ trợ cho bà con; đặc biệt đối với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới mỗi khi gặp thiên tai, hỏa hoạn...
Các hoạt động ASXH, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào mỗi khi bị bệnh dịch, thiên tai, bão lũ đều có các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước đã tạo thêm nguồn lực to lớn đóng góp chung trong việc thực hiện chính sách ASXH trên địa bàn vùng đồng bào DTTS trong năm qua.
Bộ trưởng đã có những đề xuất, kiến nghị gì để chính sách ASXH vùng đồng bào DTTS được thực hiện một cách thuận lợi. Bộ trưởng có trăn trở gì trong quá trình thực hiện, triển khai chính sách này cho vùng đồng bào DTTS&MN?
Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chính sách. Trong quá trình xây dựng Chương trình MTQG đều kết hợp các chính sách đầu tư với chính sách ASXH, đấy là vấn đề lớn nhất.
Vấn đề thứ hai là chúng tôi đã tham gia cùng các bộ, ngành để báo cáo với cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù riêng cho các nhóm đồng bào DTTS rất ít người. Hay như về giáo dục, vấn đề về giải quyết việc làm, đào tạo nghề... cho đồng bào DTTS đều có các nhóm chính sách cụ thể. Mặc dù hệ thống chính sách của chúng ta đã bao phủ tương đối toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội, tuy nhiên đối với vùng đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn do yếu tố khách quan, chủ quan; đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hay những những yếu tố trong nước và quốc tế đều ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào, đó là những tác động không nhỏ. Chính vì vậy nên còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Điều tôi trăn trở nhất là làm thế nào để đồng bào nâng cao được nhận thức, tự bản thân vươn lên trong cuộc sống; phát huy tinh thần tự lực, tự cường khai thác hết tiềm năng, thế mạnh ở từng vùng quê, từng địa bàn để vươn lên giảm nghèo. Trên cơ sở hệ thống những chính sách của Đảng, Nhà nước sẵn có và sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mong muốn đồng bào sẽ ngày càng vươn lên làm giàu trên chính quên hương mình.
Chúng tôi cũng suy nghĩ cần có cơ chế, giải pháp quyết liệt để giải quyết những vấn đề cần thiết cho bà con hiện nay. Đó là vấn đề nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, mô hình sản xuất; vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào... Tiếp nữa là vấn đề đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống điện, đường giao thông; về cơ sở vật chất như trường học, trạm xá, nhà văn hóa để phục vụ cho đồng bào... Những vấn đề này ở nhiều nơi đã được đầu tư, tuy nhiên cũng chưa thể đáp ứng được những mong muốn của bà con. Đây là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để đề xuất được các chính sách một cách căn cơ trong thời gian tới.
“Nhìn lại năm 2023, chúng tôi thấy rằng các chủ trương, chính sách lớn và những nội dung mà Thủ tướng Chính phủ giao cho UBDT cơ bản đã hoàn thành”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh.
Tôi nghĩ rằng, những vấn đề này, với trách nhiệm của UBDT cùng với các bộ, ngành và địa phương sẽ tổng kết trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo với các cấp có thẩm quyền; đặc biệt là việc tổng kết thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và chuẩn bị xây dựng các nội dung, Chương trình MTQG giai đoạn 2026 - 2030. Cần có hệ thống chính sách bao trùm toàn diện theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã kết luật.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!