Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, những chương trình, chiến dịch vì trẻ em trên địa bàn huyện Văn Bàn luôn đạt kết quả tốt: Tỷ lệ trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi được uống bổ sung vitamin A đạt 99%; tỷ lệ tẩy giun cho trẻ từ 24 tháng đến 60 tháng tuổi đạt 99%; tất cả bà mẹ sau sinh được bổ sung vitamin A liều cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi còn 14,87%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 19,4%; tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 95%. Phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở tất cả các xã, thị trấn đã có ý thức sử dụng viên sắt để phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng.
Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Trưởng Ban Chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và công tác dân số huyện cho biết: Huyện Văn Bàn đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách với nghiệp vụ vững vàng từ huyện đến xã, y tế thôn, bản, tổ dân phố. Mạng lưới này đã triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng và phòng, chống thiếu vi chất tại các thôn, bản, tổ dân phố. Cán bộ chuyên trách xã, thị trấn và cộng tác viên dinh dưỡng thôn, bản, tổ dân phố đã tích cực đến thăm, trao đổi về vi chất dinh dưỡng tại các gia đình, đồng thời tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho các bà mẹ và phụ nữ có thai về các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi ở một số thôn trên địa bàn huyện Văn Bàn còn cao do một số tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến nhận thức và phương cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như đẻ tại nhà, cai sữa sớm, không đi khám thai định kỳ... Đặc biệt, nhiều bà mẹ và người chăm sóc trẻ còn thiếu kiến thức, cho trẻ ăn bổ sung không đúng cách và không có thói quen rửa tay bằng xà phòng với nước sạch…
Xác định vai trò nòng cốt của đội ngũ y tế thôn, bản đối với công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai đã tổ chức tập huấn cho 74 nhân viên y tế thôn, cô đỡ của 6 xã trên địa bàn. Đội ngũ này được chia sẻ các phương pháp và kỹ năng truyền thông, vận động cộng đồng, thay đổi hành vi cá nhân; kỹ năng thực hành, thu thập, quản lý trẻ dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng; tổng quan đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng, những điều cần biết về chăm sóc trẻ sơ sinh, hướng dẫn cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, sử dụng thành thạo bảng Z-Score và tính trẻ suy dinh dưỡng theo bảng Z-Score... Hoạt động của đội ngũ này góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, giảm thiểu tình trạng tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động về y tế, dân số.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi trên địa bàn tỉnh tuy đã giảm nhanh nhưng còn khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ bổ sung vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi và bà mẹ sau sinh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt độ bao phủ 100%. Năm 2022, do tình trạng thiếu vitamin A chung trên toàn quốc, tỉnh Lào Cai chỉ thực hiện bổ sung 1 đợt vitamin A liều cao cho gần 67.000 trẻ dưới 5 tuổi…
Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống suy dinh dưỡng và phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục và đào tạo, các trường học, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương tổ chức các điểm cho trẻ uống bổ sung vitamin A, tẩy giun; tổ chức cân, đo, đánh giá tăng trưởng cho trẻ dưới 5 tuổi. Người dân hãy nâng cao ý thức sản xuất và sử dụng thực phẩm hợp lý, an toàn; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì lối sống tích cực, lành mạnh.