Hiện nay, Hội Luật gia tỉnh có 2 trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tại thành phố Lào Cai với sự tham gia hỗ trợ của 18 tư vấn viên. Ngoài thường trực tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, đối tượng yếu thế (đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người tàn tật), các trung tâm tư vấn pháp lý còn phối hợp với các địa phương, đơn vị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, công nhân, người lao động. Nhờ sự hỗ trợ đó, nhiều người đã được tiếp cận các vấn đề luật pháp một cách có hệ thống, chính xác và nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật.
Ví dụ như vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Thị Mai, thôn Làng Én, xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng). Bà Mai băn khoăn "nên" hay "không nên" mua lô đất gần nhà để mở rộng không gian sản xuất, do hồ sơ của lô đất này đang thiếu rõ ràng về mặt pháp lý. Khi biết có nơi hỗ trợ miễn phí, bà đã liên hệ với Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý số 2 tại thành phố Lào Cai. Sau khi có sự tư vấn của luật gia Triệu Viết Hanh, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, bà Mai đã quyết định mua lô đất nói trên mà không gặp bất kỳ vướng mắc nào.
Tương tự, ông Hoàng Văn Chiêu (phường Sa Pa, thị xã Sa Pa) có 1 lô đất nằm trong diện quy hoạch dự án đường tránh trung tâm thị xã theo hướng đi tỉnh Lai Châu. Thực hiện giải phóng mặt bằng, thị xã Sa Pa đền bù cho ông Chiêu 1 lô đất ở và tiền tài sản, hoa màu, các khoản hỗ trợ khác nhưng ông Chiêu không muốn nhận số tiền nói trên mà thay bằng nhận thêm 1 lô đất. Ông Chiêu tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý số 2 để được tư vấn. Căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và các quy định pháp luật khác, luật gia tại trung tâm đã giúp ông Chiêu hiểu rằng đề xuất của ông là không thể thực hiện vì trái với các quy định của pháp luật.
Luật gia Triệu Viết Hanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý số 2 cho biết: Các luật gia của trung tâm đều có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm tố tụng, mọi người làm việc trên tinh thần tình nguyện. Tất cả đều có chung mong muốn là đóng góp cho công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người dân, nhất là người dân nghèo.
Lào Cai hiện có 728 hội viên hội luật gia đang sinh hoạt tại Hội Luật gia tỉnh, 4 hội luật gia cấp huyện và 25 chi hội ở cơ sở. Nhiều hội viên từng hoặc đang công tác trong ngành tư pháp nên có chiều sâu kiến thức, kinh nghiệm; quá trình tư vấn, hỗ trợ pháp lý của họ góp phần giảm tranh chấp, khiếu nại, tố cáo tại cơ sở.
Theo báo cáo của Hội Luật gia tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp hội luật gia trong tỉnh đã tổ chức 47 hội nghị cho 6.020 lượt người tham dự; nhận tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí 605 vụ việc; tham gia hòa giải thành 28 vụ việc. Hội luật gia các cấp còn phối hợp với MTTQ các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tham gia phản biện chính sách.
Bên cạnh thuận lợi, hoạt động của hội luật gia các cấp tỉnh Lào Cai gặp một số khó khăn như kinh phí hoạt động hạn hẹp; việc phát triển hội viên, xây dựng tổ chức hội có những trở ngại; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các ban, ngành liên quan với hội luật gia các cấp còn thiếu sự tích cực.
Đa phần người dân tìm đến hội luật gia để nhờ tư vấn, trợ giúp pháp lý thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế, đang sinh sống ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung cần tư vấn chủ yếu về tranh chấp đất đai, hôn nhân - gia đình, lao động, dân sự, hình sự, chế độ, chính sách xã hội.
Trong thời gian tới, Hội Luật gia tỉnh Lào Cai tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân. Hội luật gia các cấp của tỉnh cũng sẽ tăng cường tham gia hoạt động cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát và phản biện xã hội, qua đó nâng cao vị thế của tổ chức hội trong hệ thống chính trị địa phương.