LCĐT - Cuối năm luôn là thời điểm thị trường hàng tiêu dùng “nóng lên” do sức tiêu thụ của người dân tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. Để bình ổn thị trường hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tại buổi kiểm tra chợ Lùng Phình (huyện Bắc Hà), Đội Quản lý thị trường số 3 đã phát hiện một số sản phẩm mì chính trà trộn với hàng chính hãng, giả bao bì được bày bán tại chợ. Những gói mì chính giả này có nhãn hiệu, tem, thậm chí cả mã vạch giống mì chính Ajinomoto chính hãng, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Điều đáng nói là mì chính giả có giá bán rẻ hơn rất nhiều, thường chưa bằng một nửa giá hàng chính hãng.
Chị T. S. T., người kinh doanh mặt hàng giả trên nêu lý do: Khi nhập, các loại hàng này được đóng gói sẵn, giá rẻ hơn nên tôi lấy về bán. Cũng có loại đắt hơn nhưng theo nhu cầu của người mua mà nhập về bán chứ không biết thế nào là hàng giả. Bây giờ biết đây là hàng giả thì lần sau rút kinh nghiệm, không nhập loại này về bán nữa.
Không riêng chợ Lùng Phình, mà tại các phiên chợ vùng cao, không khó để thấy những mặt hàng như bánh, kẹo, bột giặt, dầu gội cho đến các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép bị làm giả, làm nhái với kiểu dáng, bao bì giống hàng chính hãng. Chỉ có điều, chất lượng các mặt hàng này như thế nào và liệu có an toàn với người tiêu dùng hay không vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều người dân khi mua sắm.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ Lùng Phình (Bắc Hà) |
Anh Tẩn Seo Chơn, người dân xã Tả Củ Tỷ (huyện Bắc Hà) cho biết: Lo mua phải hàng giả lắm, đặc biệt là những loại đồ ăn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe gia đình. Mà cái nào giả thì tôi lại không biết. Tôi rất mong các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm những người kinh doanh hàng giả để bà con yên tâm.
Việc xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các chợ vùng cao, vùng sâu. Với đặc thù chợ phiên chỉ diễn ra một số buổi nhất định trong tuần nên các tiểu thương thường xuyên luân phiên kinh doanh tại các chợ, không cố định địa điểm, gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Nhiều người kinh doanh có dấu hiệu vi phạm khi thấy lực lượng chức năng thường nhanh chóng ôm hàng bỏ đi hoặc tẩu tán lẫn vào các mặt hàng khác, thậm chí có hành vi chống đối người thi hành công vụ khi bị phát hiện…
Để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh, tính từ đầu tháng 12 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 1.400 lượt, xử lý vi phạm 895 vụ việc. Tổng giá trị xử lý hơn 8 tỷ đồng, trong đó tiền xử phạt vi phạm hành chính là 3,4 tỷ đồng; giá trị hàng hóa vi phạm là 4,8 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng từ tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán hàng hóa tịch thu.
Ông Nguyễn Quang Hiểu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Muốn nâng cao hiệu quả công tác quản lý về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì công tác tuyên truyền phải làm tốt. Tuyên truyền để người kinh doanh cũng như người tiêu dùng nâng cao nhận thức về tác hại của việc kinh doanh, sử dụng, đồng thời nhận biết các loại hàng hóa kém chất lượng. Về phía cơ quan chức năng, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Để công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc đạt hiệu quả cao, cần có chế tài đủ sức răn đe các đối tượng sản xuất, buôn bán các loại hàng này. Quan trọng hơn cả là người tiêu dùng và người kinh doanh cần chủ động nâng cao nhận thức để nhận biết chất lượng các loại hàng hóa, nói “không” với hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.