LCĐT - Mỗi năm, Lào Cai khai thác hơn 200.000 m3 gỗ. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp cho người dân. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để quản lý, đưa các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản vào hoạt động đúng quy định của pháp luật.
![]() |
Cơ sở sản xuất ván bóc từ gỗ rừng trồng. |
Những năm gần đây, việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, hầu hết gỗ đưa vào chế biến tại các cơ sở chủ yếu là từ rừng trồng sản xuất và nhập khẩu.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 365 cơ sở chế biến, thương mại lâm sản, gồm 31 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã và 322 hộ gia đình, cá nhân. Các cơ sở phần lớn chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh, chế biến lâm sản; có nguồn nguyên liệu gỗ đưa vào chế biến hợp pháp; thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Các cơ sở chủ yếu sản xuất, chế biến ván bóc, ván xẻ thanh, ván MDF, đóng đồ mộc gia dụng, đồ mộc xây dựng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở không thực hiện việc kê khai, ghi chép sổ nhập, xuất lâm sản, ký cam kết và có biện pháp bảo vệ môi trường. Vì vậy, để nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực lâm sản, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống thông tin, loa, đài truyền thanh và tuyên truyền lồng ghép với các buổi họp thôn, các đợt kiểm tra.
Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đều xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra tại cơ sở, đồng thời chỉ đạo các hạt kiểm lâm rà soát, thống kê các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn để theo dõi, giám sát. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ về hồ sơ lâm sản, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào; việc ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản và kê khai lâm sản của các cơ sở… Năm 2020, các đơn vị trực thuộc đã kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở và lập hồ sơ xử lý 3 cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường, 4 cơ sở vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản và 1 cơ sở vi phạm tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật.
Do làm tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản nên nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không có “điểm nóng”, điểm nổi cộm trong khai thác, mua bán, tàng trữ và vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Qua đó, tạo thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ phát triển, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.