Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA) – Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo khởi động và tập huấn thuộc chương trình “Tăng cường năng lực và kỹ năng của các tổ chức xã hội khu vực miền núi phía Bắc về bình đẳng giới và lồng ghép giới trong các hoạt động Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương” cho các lãnh đạo, cán bộ đến từ các tổ chức xã hội tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên.
Tham dự chương trình, có ngài Shawn Steil, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, bà Leigh McCumber, Tham tán Chính trị và Thông tin Văn hóa; Về phía Đại học Thái Nguyên có TS. Bùi Thị Hương Giang – Phó trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Đối ngoại, Giám đốc FEMMA, PGS.TS. Trần Văn Điền, cố vấn cao cấp FEMMA; các chuyên gia tham gia giảng dạy và 30 học viên.
Hội thảo khởi động và tập huấn được tổ chức từ ngày 16 - 17/10/2023 tại Đại học Thái Nguyên là 2 hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ chương trình “Tăng cường năng lực và kỹ năng của các tổ chức xã hội khu vực miền núi phía Bắc về bình đẳng giới và lồng ghép giới trong các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương”.
Tại Hội thảo, các học viên được trang bị kiến thức về bình đẳng giới trong các lĩnh vực quản lý, hành chính công, y tế, giáo dục, kinh tế..., tìm hiểu về khoảng cách giới trong tiếp cận cơ hội sinh kế, lao động, việc làm, hỗ trợ y tế, giáo dục và nhiều mặt khác. Học viên đã tiến hành thảo luận để nhận diện các vấn đề về bất bình đẳng giới còn tồn tại tại địa phương, đề xuất và xây dựng các kế hoạch hành động nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Chương trình trình “Tăng cường năng lực và kỹ năng của các tổ chức xã hội khu vực miền núi phía Bắc về bình đẳng giới và lồng ghép giới trong các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương” được thực hiện từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 02 năm 2024 với mục tiêu trang bị, nâng cao kỹ năng lồng ghép giới cho các nhà lãnh đạo, cán bộ của một số tổ chức xã hội; đồng thời hướng dẫn thực hiện kế hoạch hành động của học viên.
Kết quả dự kiến của chương trình bao gồm 1 hội thảo khởi động, 1 khóa tập huấn cho 30 học viên, 1 chương trình hỗ trợ kỹ thuật thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động của học viên, 4-5 kế hoạch hành động nhóm, 1 chương trình tham quan thực địa để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và 1 hội thảo tổng kết, chia sẻ kết quả thực hiện kế hoạch hành động của học viên. Cùng với các kết quả dự kiến, Ban Tổ chức cũng kỳ vọng xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại các tỉnh miền núi phía Bắc để cùng nhau thực hiện các hoạt động thúc bình đẳng giới và lồng ghép giới trong các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tại địa phương.