
Săn bắt chim, thú tại rừng Tả Liên, tỉnh Lai Châu.
Hơn 12 triệu bẫy dây đe dọa sinh tồn các loài động vật hoang dã
Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), ước tính có khoảng 12,3 triệu bẫy dây (thường được làm từ dây phanh xe đạp hay dây cáp) đang đe doạ các loài động vật hoang dã trong các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Nhiều loại bẫy: kiềng, chông, dây, gài lao, điện, sập, lưới mờ... được sử dụng để bắt thú rừng. Các loại súng tự chế: hoa cải, cồn, cao-su và tên, nỏ cũng được sử dụng khá phổ biến. Nhiều nơi còn bẫy bắt động vật hoang dã là các loài chim, rắn, lưỡng cư ở mọi sinh cảnh hoang dã, đặc biệt là vào mùa di cư của các loài chim từ phương bắc về qua Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, các loài động vật hoang dã, Nghị định số 84/2021/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đã đưa 105 loài động vật vào nhóm IB (Các loài thực vật rừng, động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại), 81 loài vào nhóm IIB (Các loài thực vật rừng, động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Hành vi săn, bắt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) với mức án cao nhất là 15 năm tù.
Một số quy định còn bất cập, chưa rõ ràng
Theo chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã, nguyên Phó Giám đốc cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam Vương Tiến Mạnh, có một số điều khoản chưa đồng bộ, chưa rõ ràng dẫn đến việc khó xử lý các hành vi vi phạm. Nghị quyết hướng dẫn số 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán giải thích một số thuật ngữ như “Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...)” nhưng vẫn chưa giải thích rõ được khi động vật bị mất bộ phận thì động vật chết ngay, hay sau một thời gian sẽ chết do không thể kiếm ăn hoặc bị nhiễm trùng.
Quy định “Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Nhưng trên thực tế, chưa có bất kỳ cơ quan thẩm quyền nào quy định mùa di cư, sinh sản của các loài.
Thực tiễn thi hành pháp luật, cũng xuất hiện bất cập gây khó khăn trong xử lý hành vi vi phạm. Trong bài viết “Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật hình sự về bảo vệ động vật hoang dã” của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã nêu hàng loạt tồn tại trong quy định về khách thể; về trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau; vấn đề định giá động vật hoang dã; vấn đề xử lý vật chứng. Từ những bất cập đó, đơn vị kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng quy định tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã trong Chương XIX “Các tội phạm về môi trường”. Sớm có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài để thống nhất trong xử lý.

Về trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau, cơ quan tố tụng cho rằng cần có quy định theo hướng đối với trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự thì cộng tất cả các cá thể động vật lại, sau đó quy đổi về một lớp hoặc loài theo hướng có lợi cho người phạm tội để xử lý hình sự, bảo đảm tính công bằng, khách quan trong chính sách xử lý hình sự. Bên cạnh đó, cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống và vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Hướng dẫn thống nhất về việc định giá đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Gắn trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã với chính quyền địa phương
Bên cạnh việc sớm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nguyễn Văn Thái kiến nghị, cần gắn chặt trách nhiệm để mất động vật hoang dã với lực lượng thực thi pháp luật tại địa phương. Đồng thời, cần tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm lâm, công an về các kỹ năng nhận dạng động vật hoang dã, kỹ năng điều tra, tuần tra, giám sát các hoạt động săn, bắt động vật hoang dã.