Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 1/2024, phần nội dung thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã có 2 đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai trực tiếp phát biểu tại hội trường, góp phần hoàn thiện dự thảo luật.
Các đại biểu đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung đối với Điều 93 “Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập và việc tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án đầu tư”; Điều 111 “Bố trí tái định cư”; Điều 127 “Sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”; Điều 16 “Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”; Điều 159 “Bảng giá đất” và điều khoản thi hành luật.
Ngoài các nội dung góp ý sửa đổi, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung một số quy định để việc thi hành luật phù hợp thực tiễn và hiệu quả. Nội dung các ý kiến được chuẩn bị công phu, chi tiết, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện thông qua việc tổng hợp, xem xét các ý kiến từ nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo luật được Đoàn phối hợp tổ chức trước đó.
Cũng trong khuôn khổ kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu 1 ý kiến trực tiếp tại phiên họp của Tổ thảo luận số 5 góp ý vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai khóa XV có 6 đại biểu. Chủ động nâng cao chất lượng tham gia vào công tác lập pháp, hằng năm, căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, đoàn đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý vào các dự án luật trình Quốc hội tại các kỳ họp. Riêng trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý vào các dự án luật trình Quốc hội.
Ngoài ra, đoàn đã ban hành 24 văn bản lấy ý kiến tham gia góp ý của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia vào 25 dự thảo luật. Đoàn tiếp nhận gần 300 văn bản tham gia góp ý với hơn 1.000 lượt ý kiến tham gia đóng góp xây dựng luật và nghị quyết. Từ những ý kiến tham gia trên, đoàn đã tổng hợp và gửi 25 báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia xây dựng luật, nghị quyết đến Quốc hội.
Theo đánh giá của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đoàn tham gia công tác lập pháp có nhiều điểm mới, chất lượng ngày càng nâng cao. Các ý kiến tham gia xây dựng luật, nghị quyết đều được đánh giá kỹ lưỡng. Các đại biểu trong đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia các phiên họp để thẩm tra các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội. Các ý kiến tham gia của các ngành, cơ quan, đơn vị tại địa phương và ý kiến góp ý của các chuyên gia đã giúp đại biểu có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn tham gia ý kiến trên các diễn đàn của Quốc hội.
Ngoài việc tham gia trách nhiệm, hiệu quả vào công tác lập pháp của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các nội dung quan trọng thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã phát biểu trực tiếp 42 lượt ý kiến tham gia thảo luận tại tổ, tại hội trường và chất vấn trực tiếp các bộ trưởng. Ngoài việc thảo luận, cho ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật, dự án luật, nội dung thảo luận của các đại biểu đoàn tập trung vào các vấn đề lớn liên quan đến tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tham gia đầy đủ, trách nhiệm vào các kỳ họp bất thường của Quốc hội. Trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập 3 kỳ họp bất thường. Tại đây, đoàn và các đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, tham gia cùng Quốc hội xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được thống nhất cao.
Với sự chủ động, tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng của đoàn trước mỗi kỳ họp, các ý kiến phát biểu, thảo luận của đại biểu trong đoàn có tính thực tiễn, chất lượng cao, được ghi nhận, góp phần vào thành công của các kỳ họp Quốc hội, xứng đáng với niềm tin của cử tri và trọng trách của đại biểu Quốc hội.