Văn phòng Di cư và Tị nạn Liên bang Đức cho biết, số lượng người xin tị nạn cao nhất đến từ Syria, với 104.561 đơn, tiếp theo là công dân Thổ Nhĩ Kỳ với 62.624 đơn xin tị nạn và 53.582 người Afghanistan.
Di cư đã trở thành một vấn đề chính trị lớn đối với Chính phủ Đức và là một chủ đề nóng bỏng ở nước này, khi các cộng đồng địa phương đang phải vật lộn để tìm nơi ở cho số lượng lớn người di cư mới đến.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, phải đối mặt với áp lực rất lớn từ phe đối lập và các nơi khác nhằm ngăn chặn xu hướng này, đã nói rằng "có quá nhiều người di cư đến Đức".
Cuối năm 2023, Thủ tướng Scholz và 16 thống đốc bang đã chấp thuận các biện pháp mới và chặt chẽ hơn nhằm hạn chế số lượng lớn người di cư đổ vào nước này, đạt được thỏa thuận bao gồm đẩy nhanh thủ tục tị nạn, hạn chế quyền lợi cho người xin tị nạn và hỗ trợ tài chính nhiều hơn từ chính phủ liên bang đối với các tiểu bang và cộng đồng địa phương để đối phó với dòng người nhập cư.
Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu diễn ra.
Vào mùa thu 2023, Đức đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời ở biên giới với Ba Lan, Cộng hòa Czech và Thụy Sĩ. Quốc gia Trung Âu này đã tiến hành động tahsi tương tự tại biên giới với Áo kể từ năm 2015.
Trong một biện pháp khác nhằm hạn chế số lượng người di cư trong nước, Chính phủ Đức nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc trục xuất những người xin tị nạn không thành công và tăng cường hình phạt đối với những người đưa lậu người di cư.
Con số của năm 2023 vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2015 - 2016, khi có hơn 1 triệu người di cư đến Đức, chủ yếu từ Syria, Afghanistan và Iraq.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser nói rằng "số liệu về người tị nạn vào năm 2023 cho thấy, chúng ta phải liên tục tiếp tục lộ trình của mình để hạn chế tình trạng di cư bất thường".
Bà Faeser nói thêm: "Chúng tôi bảo vệ mọi người dân khỏi chiến tranh và khủng bố. Mặt khác, những người không cần được bảo vệ cũng phải rời khỏi đất nước của chúng tôi".