Si Ma Cai: Vượt trở ngại để người dân sớm có nhà ở mới

Mưa lũ ảnh hưởng tới 101 ngôi nhà trên địa bàn huyện Si Ma Cai, trong đó 80 nhà bị hư hỏng trên 70% hoặc bị sập, đổ, vùi lấp hoàn toàn; 21 nhà phải sửa chữa. Dù có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng huyện vẫn phấn đấu đến 31/12, toàn bộ số nhà xây mới, sửa chữa sẽ hoàn thành để người dân dọn vào ở.

060a9691.jpg
Một ngôi nhà ở tại thôn Sín Hồ Sán 2, xã Quan Hồ Thẩn bị đất, đá sạt lở gây hư hại.

Trong đợt mưa bão lịch sử tháng 9/2024, nhiều người thực sự cảm động, chia sẻ với huyện Si Ma Cai khi xem hình ảnh cả trung tâm xã Quan Hồ Thẩn, một số tuyến phố tại thị trấn Si Ma Cai ngập sâu trong nước lũ. Đó còn là những hình ảnh thầy giáo, cán bộ xã ngụp lặn trong nước lũ để cứu học sinh, cứu hồ sơ, tài liệu, sách vở và hình ảnh người dân phải đi lượm và rửa từng bông lúa trong bê bết bùn đất... Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện vùng cao Si Ma Cai trong hơn 2 tháng qua đã gồng mình, dồn nguồn lực đặc biệt hỗ trợ các hộ mất nhà, nhà ở bị hư hỏng có nơi ở mới khang trang, bề thế, an toàn hơn.

060a9744.jpg
Một nhà dân tại xã Quan Hồ Thẩn bị hư hại nặng sau cơn bão Yagi.

Anh Giàng A Chính ở thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai dựng căn nhà ở ổn định gần bố đẻ trong nhiều năm qua, cho tới khi cơn bão số Yagi ập tới khiến ngôi nhà đổ sập hoàn toàn. Thiên tai khó lường, theo quan sát của chúng tôi, nơi gia đình anh Chính làm nhà có địa thế khá bằng phẳng, nhà quay mặt ra đường nhựa, đồi đất ở sau nhà thoai thoải nhưng đất, đá trôi trượt vẫn xảy ra trong mưa lũ, ngôi nhà bị đẩy đổ như món đồ chơi.

060a9988.jpg
Người dân thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu xây dựng nhà ở mới.

Sau khi xã, huyện kiểm tra thực tế, thống kê, rà soát và sau chủ trương của tỉnh, địa phương đã tạm ứng ngay cho gia đình anh Chính 50 triệu đồng để làm nhà mới trong tổng số 100 triệu đồng chế độ hỗ trợ những hộ mất nhà. Nhận được nguồn hỗ trợ, cùng khoản tích cóp từ trước nên anh Chính không sử dụng lại khung ngôi nhà cũ mà quyết tâm xây ngôi nhà khung cứng, tường gạch kiên cố, kiến trúc hiện đại rộng gần 90 m2.

060a0022.jpg
Ngôi nhà của anh Giàng A Chính ở thôn Cốc Phà 1 tuần sau khởi công.

Anh Chính dự kiến kinh phí xây ngôi nhà mới khoảng 370 triệu đồng. Khởi công từ trung tuần tháng 10/2024, anh Chính dự kiến dịp tết Dương lịch 1/1/2025 sẽ dọn vào ở trong ngôi nhà mới hiện đại, bề thế hạng nhất thôn Cốc Phà. “Có tiền hỗ trợ của Nhà nước, mình làm thật vững chắc, từ nay không còn sợ bão, lũ, sạt lở đất nữa”, anh Chính khẳng khái nói.

060a0026.jpg
Vật liệu xây dựng tại huyện Si Ma Cai vừa có giá cao vừa khan hiếm vào thời điểm này.

Sau khi đưa chúng tôi đi thực tế tại một số thôn trên địa bàn, ông Giàng A Cấu, Phó Chủ tịch HĐND xã Cán Cấu cho hay: Ảnh hưởng cơn bão Yagi, xã có 15 nhà ở của người dân bị cuốn trôi, đổ sập, vùi lấp hoàn toàn hoặc hư hỏng trên 70% không thể tái sử dụng và 3 ngôi nhà phải sửa chữa.

060a9792.jpg
Người dân ở một khu dân cư tại xã Quan Hồ Thẩn không dám trở về nhà sau 2 tháng bị thiên tai bởi nguy cơ sạt lở đất rình rập.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của huyện, Đảng ủy, UBND xã Cán Cấu đã tích cực hỗ trợ người dân khảo sát, tìm quỹ đất, làm các thủ tục xây dựng và triển khai phong trào vận động cộng đồng hỗ trợ nhau làm nhà mới. Một số cách làm phổ biến trong các hộ dân là đổi công, giúp nhau dọn mặt bằng, san gạt nền, đào móng, khai thác, vận chuyển vật liệu và cho nhau vay tiền làm nhà. Theo báo cáo của UBND xã Cán Cấu, đến ngày 14/12, 4 ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng đã khánh thành; dự kiến trước 31/12, xã hoàn thành 15/15 ngôi nhà xây mới, 3 ngôi nhà cũng hoàn thành việc sửa chữa.

060a9969.jpg
Người dân huyện Si Ma Cai đoàn kết giúp nhau xây nhà sau thiên tai.

Tại thị trấn Si Ma Cai, nơi có số nhà bị ảnh hưởng lũ, bão lớn nhất huyện tính đến ngày 14/12 cũng có 4 trong tổng số 14 ngôi nhà hoàn thành việc xây dựng mới. Hoàn lưu cơn bão Yagi hồi tháng 9/2024 đã gây hại 24 ngôi nhà tại địa phương, trong đó có 14 ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn, 10 ngôi nhà phải sửa chữa; dự kiến trước 31/12, toàn bộ số nhà trên tại thị trấn đều hoàn thành.

060a0011.jpg
Vật liệu đắt đỏ, nhiều hộ dân đã tìm nguồn vật liệu tại chỗ nhằm giảm bớt chi phí đầu tư xây dựng.

Mưa lũ ảnh hưởng tới 101 ngôi nhà trên địa bàn huyện Si Ma Cai, trong đó có 80 nhà bị hư hỏng trên 70% hoặc sập, đổ, vùi lấp hoàn toàn, 21 nhà phải sửa chữa. Sau thị trấn Si Ma Cai, danh sách thiệt hại tiếp theo là xã Sán Chải, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn và Lùng Thẩn. Đến ngày 14/12, toàn bộ 80 ngôi nhà diện phải xây mới đã khởi công, 17/21 sửa chữa đã thi công, có 20 nhà hoàn thành. Tổng số tiền các hộ được hỗ trợ theo quy định là 8 tỷ 674 triệu đồng, đến nay, huyện đã cấp kinh phí 4 tỷ 732 triệu đồng, còn 3 tỷ 942 triệu đồng đang chờ giải ngân và chờ Quỹ Thiện Tâm ủng hộ theo cam kết.

060a0002.jpg
Một ngôi nhà mới của hộ dân bị thiên tại tại xã Cán Cấu chuẩn bị hoàn thành.

Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Si Ma Cai cho biết: Khó khăn lớn nhất của địa phương trong hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ bị thiên tai là huyện xa nguồn vật liệu xây dựng khiến giá hàng hóa cao, vật liệu khan hiếm. Si Ma Cai có đa phần diện tích tự nhiên là đồi núi cao, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh khiến việc tìm quỹ đất làm nhà cho các hộ dân hết sức khó khăn, dù tìm được quỹ đất phù hợp thì chi phí, thời gian dành cho việc san gạt, tạo nền cũng rất lớn. Một khó khăn khác được Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện bổ sung là thiếu cục bộ nguồn nhân công xây dựng bởi ngoài các nhà bị ảnh hưởng bão lũ trên địa bàn, đồng thời còn có 603 ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng theo diện xóa nhà tạm trong năm 2024, trong đó có 444 nhà xây dựng mới.

060a9913.jpg
Với số tiền hỗ trợ của Nhà nước, một số hộ tại Si Ma Cai làm nhà kiên cố sau mưa lũ.

Khó khăn, trở ngại có nhiều song với tinh thần quyết tâm, chủ động và nỗ lực, huyện Si Ma Cai vẫn đăng ký hoàn thành trước 31/12/2024 với các ngôi nhà đã khởi công, trong đó huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các hộ bị ảnh hưởng bão, lũ, tiếp đó là hộ gia đình gia đình có công với cách mạng, hộ thân nhân gia đình liệt sĩ...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sa Pa: 15 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập

Sa Pa: 15 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập

Thành lập câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là hoạt động quan trọng thuộc nội dung số 3 “Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”.

Thời tiết ngày 16/12: Bắc Bộ nhiệt độ tăng dần

Thời tiết ngày 16/12: Bắc Bộ nhiệt độ tăng dần

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 16/12, không khí lạnh Bắc Bộ suy yếu, rét đậm, rét hại giảm dần, trời có nắng ấm. Tuy nhiên vào ban đêm vẫn xuất hiện mưa nhỏ rải rác, nhiệt độ cao nhất ngày từ 18-20 độ C.

Chung sức ổn định cuộc sống cho người dân sau mưa bão

Thành phố Lào Cai: Chung sức ổn định cuộc sống cho người dân sau mưa bão

Thành phố Lào Cai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do hoàn lưu bão số 3 gây ra. Sau thiên tai, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự quan tâm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và sự đồng lòng của người dân, hôm nay, trên địa bàn thành phố, nhiều ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng đã và đang được xây dựng, sửa chữa; sản xuất được khôi phục nhân lên màu xanh trên các cánh đồng. 

Cô giáo nặng lòng với chữ Mông

Cô giáo nặng lòng với chữ Mông

Sinh ra và lớn lên ở xã Bản Phố (huyện Bắc Hà) vào những năm 70 của thế kỷ trước khi điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, nên tuổi thơ của cô giáo Ma Thị Dua, dân tộc Mông, hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Lào Cai chịu rất nhiều thiệt thòi (do gia đình còn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, nên mãi đến năm 10 tuổi, cô Dua mới được đi học lớp 1, trong khi cậu em kém cô 3 tuổi đã được đi học từ nhiều năm trước đó).

Sa Pa: Niềm vui trong những ngôi nhà mới sau thiên tai

Sa Pa: Niềm vui trong những ngôi nhà mới sau thiên tai

Để kịp thời ổn định chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai sau hoàn lưu bão số 3, thị xã Sa Pa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ dân làm nhà. Đến thời điểm này đã có hàng chục ngôi nhà hoàn thành, được bàn giao đưa vào sử dụng mang đến niềm vui cho các hộ khó khăn trước thềm năm mới.

Văn Bàn nỗ lực giúp người dân an cư sau bão số 3

Văn Bàn nỗ lực giúp người dân an cư sau bão số 3

Cùng với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, năm 2024, huyện Văn Bàn đã xảy ra 18 đợt mưa lớn, lũ, giông lốc gây thiệt hại khoảng hơn 156 tỷ đồng. Riêng hoàn lưu bão số 3 đi qua, Văn Bàn có 6 người chết, 395 ngôi nhà bị hư hại cùng nhiều hoa màu và các công trình công cộng khác.

Phát triển phong trào thể thao quần chúng

Phát triển phong trào thể thao quần chúng

Ngày nào cũng 2 buổi tập luyện đều đặn, sáng từ 5 giờ 30 phút đến 7 giờ, chiều từ 17 giờ đến 19 giờ, bà Đỗ Thị Hằng (60 tuổi) và hơn 30 thành viên Câu lạc bộ Bóng chuyền hơi tổ 9, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn lại cùng nhau ra sân nhà văn hóa khu dân cư vừa tập luyện, vừa gặp gỡ, giao lưu.

Bảo Thắng: Gần 500 lượt phụ nữ được đối thoại chính sách

Bảo Thắng: Gần 500 lượt phụ nữ được đối thoại chính sách

Trong năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Thắng đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn đối thoại chính sách với nội dung: “Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”.

Ứng dụng khoa học hạt nhân chăm sóc sức khỏe người dân

Ứng dụng khoa học hạt nhân chăm sóc sức khỏe người dân

Sau gần 2 năm hoạt động, dây chuyền sản xuất dược chất phóng xạ dùng trong chẩn đoán ung thư của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện lớn tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu các dược chất phóng xạ mới, hướng tới các thuốc vừa chẩn đoán vừa điều trị (chẩn trị) ung thư.

fb yt zl tw