Từ đầu năm đến nay, từ cuối năm 2022, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023; huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, trong đó lực lượng CSGT gần như phải làm xuyên Tết, tập trung cao độ xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy; cùng với đó là phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông. Qua đó, xử lý vi phạm tăng, hiệu quả cũng nhìn thấy rõ là TNGT giảm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra. Thậm chí gần đây liên tiếp xảy ra việc người vi phạm cố tình chống người thi hành công vụ.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT: Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay đã khá cao với môtô lên tới 8 triệu đồng, ôtô lên tới 40 triệu đồng. Tước giấy phép lái xe lên tới 24 tháng.

Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng cần có sự phối hợp từ nhiều phía mới mong ngăn được vi phạm nồng độ cồn. Trong đó chủ chốt vẫn là nhận thức của người dân. Thực tế, với vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) bình thường nhiều người dân còn tìm cách né, huống hồ người vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt, với mức trên 0,4mg/l khí thở, tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông.

“Việc không kiểm soát được tinh thần, hành vi sau khi sử dụng rượu, bia  ngoài là nguyên nhân gây TNGT nghiêm trọng cũng là nguyên nhân dẫn đến một số tài xế cản trở, chống đối, không hợp tác, không chịu đo nồng độ cồn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. CSGT thường mất nhiều thời gian mới xử lý các trường hợp này”, ông Nhật cho biết.

Hiện nay, có nhiều hình thức kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, nhưng hai phương thức được CSGT áp dụng nhiều nhất là kiểm tra qua khí thở và kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Với những trường hợp không chấp hành thổi qua ống hay những trường hợp gây TNGT thì lực lượng CSGT áp dụng kiểm tra nồng độ cồn của người vi phạm qua xét nghiệm máu.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.

Gần đây nhất, liên tiếp hai vụ việc người vi phạm chống đối, đâm xe vào lực lượng CSGT tại Vĩnh Phúc và Lào Cai  đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với lực lượng CSGT củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật hình sự.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian tới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với các vụ việc chống đối, lăng mạ, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng củng cố hồ sơ, cương quyết xử lý bằng pháp luật hành chính hoặc hình sự để răn đe người tham gia giao thông về thượng tôn pháp luật và không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay: Trong năm 2023, lực lượng CSGT trên cả nước sẽ tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tập trung vào thành phố lớn, các khu công nghiệp, du lịch, nơi có nhiều khả năng người dân vi phạm.

Cục CSGT cũng tham mưu cho các địa phương tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT. Trong đó nghiêm cấm các cán bộ công chức, viên chức, đảng viên sử dụng rượu bia rồi vẫn tham gia giao thông; đặc biệt nếu vi phạm ngoài việc xử phạt theo quy định của pháp luật, đảng viên, công chức còn bị xử lý theo quy định kỷ luật của Đảng, công chức, viên chức tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, Đại tá Nhật cũng lưu ý, các giải pháp đều mang tính cộng hưởng, nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề là ý thức người điều khiển phương tiện giao thông thì việc CSGT ra quân dù quyết liệt tới đâu cũng chỉ mang tính xác suất, giải quyết được phần ngọn.