Từ kinh nghiệm của người dân miền Trung - xứ sở “ăn nằm với lũ”, bà con chia sẻ những thứ cần nhất sau lũ.
Cứu những đôi chân
Năm 2020 là năm lũ lụt kinh hoàng với người dân Quảng Trị. Ngay trung tâm thành phố Đông Hà cũng hứng chịu dồn dập những trận ngập. Ngâm nước lũ, đôi chân của người dân bắt đầu sưng, ngứa và lở loét. Hầu như ai cũng bị. Một hai ngày đầu còn cầm cự được, chứ những ngày sau, vết thương lở toác ra, đau thấu trời.
“Tui (tôi) nhớ đợt ngập tháng 10/2020, chân tui tướp máu, nhưng nửa đêm nước rút cũng phải lội xuống dọn bùn ra khỏi nhà", ông Trần Văn Thương (54 tuổi, TP. Đông Hà) kể.
Cả xóm ông, người lớn con nít đều bị nước ăn chân. Khi nghe tin có đoàn cứu trợ, ông chỉ mong được cho thật nhiều đôi ủng cùng với thuốc bôi chống lở, chống ngứa để “cứu đôi chân”. Hơn nữa, đường sá sau lũ bùn lầy, trơn trượt, có nơi vẫn còn nước, không giày dép nào chịu nổi. Tội nhất là những em học sinh với đôi chân bôi thuốc sát khuẩn xanh lè tới lớp. Ngoài thuốc bôi ngoài da, bà con vùng ngập cũng cần thêm thuốc đau bụng, đau đầu, thuốc cảm, dầu gió…
Đi cứu hộ phía Bắc lần này, nhiều đoàn từ các tỉnh, thành không mang theo mì tôm, vì bà con không thể ăn sống mãi mà cũng chẳng thể nấu nướng. Họ chọn bánh chưng, bánh tét, bánh mì, nước suối…, vừa no bụng vừa bảo quản được lâu. Anh Hồ Ngọc Thanh (CLB Chuyến xe vạn tình 0 đồng Đà Nẵng) cho hay, lần này gửi ra miền Bắc hơn 2.000 chiếc bánh chưng, bánh tét vì bà con có thể để ăn dần trong một vài tuần.
Vài ngày nữa, nước rút, bà con sẽ lại nấu cơm như thường. Chị Nguyễn Thị Hương (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) vẫn cảm kích khi nhớ lại lúc nhận phần quà cứu trợ lũ cách đây 4 năm của một đoàn từ thiện ở phía Nam. Ngoài những chiếc áo pull, mấy gói bánh, mắm muối, chị còn được thêm mấy bắp su, quả bí, nải chuối. “Lúc đó rau quý như vàng. Bữa cơm của dân vùng lũ có rau xanh mừng biết mấy. Tôi cũng chỉ mong bà con khắp nơi nhận được nhiều rau, củ, quả để họ cải thiện bữa ăn”, chị gửi gắm.
Tiền để vực dậy
Còn nhớ trận ngập lịch sử năm 2022 tại Đà Nẵng, hàng loạt nhà cửa, quán xá, ô tô, xe máy… bị nhấn chìm. Sau chỉ một đêm, thiệt hại khủng khiếp. Chị Trần Thị Phương (quận Thanh Khê) vẫn còn rùng mình khi kể về lúc mở cánh cửa trong tiệm bán đồ phụ tùng ô tô ra.
“Tất cả hàng hóa, đồ đạc bị nước xô ngả nghiêng, bùn đóng từng lớp. Vợ chồng tôi tích cóp hết vốn liếng, mới mở được gần một năm chưa lấy lại vốn thì mất trắng. Cầm từng món đồ tiền trăm, tiền triệu trên tay đem vứt, hai vợ chồng tôi òa khóc”, chị kể. Nhiều nhà xưởng, hàng tạp hóa, tiệm quần áo, đồ điện tử... trắng tay không cứu vớt được gì. Thế nên khi lũ dữ đi qua, bữa cơm, gói bánh là sự hỗ trợ trước mắt, còn để giúp họ một tay vực dậy, thì cần có tiền.
Chị Lê Thị Thanh Chi (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) là người trải qua cơn lũ lịch sử cuối năm 2016 tại Bình Định khiến gần 20 người chết, nhiều nhà cửa bị xoá sổ. Chị kể ở thôn An Xuyên (xã Mỹ Chánh) có 11 ngôi nhà bị cuốn trôi, bà con không còn nơi ở, hệt như hàng loạt ngôi nhà bị nước lũ tàn nhẫn phá tan ở Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai… bây giờ.
“Các đoàn cứu trợ tới thăm hỏi, tặng quà nhiều, bà con mừng lắm. Nhưng thực tế mất nhà, mất hết của cải, ai cũng mong được nhận thêm tiền để vực dậy. Đợt đó, chính quyền đã hỗ trợ cho mỗi nhà gần 100 triệu, chưa kể các đoàn từ thiện khác. Sự hỗ trợ ấy rất thiết thực. Mong rằng những tấm lòng tới với miền Bắc sau thiên tai cũng sẽ mang theo cho bà con nhiều tiền mặt, bên cạnh những nhu yếu phẩm thiết yếu”, chị Chi bày tỏ.
Ông Đặng Công Quang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một trong những vùng ngập đầu tiên của thành phố trong mùa mưa lũ, chia sẻ, sau thiên tai sự hỗ trợ nào cũng đều quý giá. Nhưng sau lũ, nhà nào cũng cần phải mua sắm lại hết tất cả. Từ chén bát, bột giặt, quần áo, sách vở, thậm chí cả ti vi, tủ lạnh. Chưa kể đến tiền để sửa sang lại nhà nếu chẳng may bị lún, sập… “Bà con rất cần tiền để khắc phục cuộc sống, nhất là công nhân, người lao động nghèo. Họ có nhiều thứ cần phải mua sắm, trang trải theo nhu cầu, hoàn cảnh của mình nên được hỗ trợ tiền mặt sau thiên tai bà con rất mừng”, ông Quang nói.