Xuyên suốt lịch sử 74 năm sau ngày giải phóng thị xã Sa Pa và thành lập Đảng bộ thị xã Sa Pa là quá trình phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc thị xã Sa Pa. Nhiều bài học từ thực tiễn đã được Đảng bộ thị xã Sa Pa qua các thời kỳ tổng kết, đúc rút thành kinh nghiệm quý, hướng tới xây dựng “Thành phố trong sương” là Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, phát triển toàn diện, bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sa Pa lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương phát triển toàn diện, là khu du lịch trọng điểm quốc gia vươn tầm quốc tế. Cụ thể hóa nghị quyết đại hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc thị xã Sa Pa đã tập trung phát triển ngành kinh tế trọng điểm là du lịch - dịch vụ, gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nhờ đó, trong những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19, thiên tai nhưng ngành du lịch tại thị xã Sa Pa vẫn có sự phát triển nhanh và bền vững. Đến hết tháng 10/2024, tổng lượt khách du lịch đến thị xã Sa Pa đạt hơn 3,7/4,5 triệu lượt, bằng 83% kế hoạch giao, tăng 686.364 lượt so với năm 2020; tổng thu từ dịch vụ, du lịch đạt hơn 13.200/15.500 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch giao.
Thị xã Sa Pa cũng tập trung phát triển ngành nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, trở thành trung tâm sản xuất dược liệu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Sa Pa những năm qua liên tục tăng cao, giá trị canh tác trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản ước đạt 150 triệu đồng (năm 2021 đạt 130 triệu đồng); doanh thu các ngành hàng đạt 917 tỷ đồng (chè 15 tỷ đồng, dược liệu 44 tỷ đồng, chăn nuôi lợn 90 tỷ đồng, rau 245 tỷ đồng, hoa 350 tỷ đồng, cây ăn quả 45 tỷ đồng, cá nước lạnh 128 tỷ đồng); tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,53%… Thu nhập bình quân đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, thị xã Sa Pa có 4/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ có 6/10 xã, đạt tỷ lệ 60%) và đến cuối năm, toàn thị xã đạt 143 tiêu chí (trung bình 14,3 tiêu chí/xã). Bên cạnh lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy đảng các cấp của thị xã Sa Pa cũng quan tâm đến công tác an sinh xã hội với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân được triển khai sâu rộng tới tận các thôn, tổ dân phố, khu dân cư, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thị xã Sa Pa đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35% còn khoảng 13,69%.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thị xã nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Thị xã Sa Pa thành lập nhiều đoàn công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá nguy cơ sạt lở; chỉ đạo các xã, phường di chuyển khẩn cấp 1.174 hộ, với 5.838 nhân khẩu đến nơi an toàn. Chỉ đạo xây dựng các khu tái định cư mới có hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước, thủy lợi… đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Trong năm 2024, thị xã Sa Pa còn 394 nhà tạm, nhà dột nát với nhu cầu kinh phí hỗ trợ gần 13,4 tỷ đồng. Để đẩy nhanh việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, thị xã Sa Pa đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc, thường xuyên kiểm tra tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Hiện thị xã đặt ra mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/12/2024, sớm hơn kế hoạch chung của tỉnh khoảng nửa năm.
Với tinh thần đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm chính trị cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với khó khăn, thách thức, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khơi thông nguồn lực phát triển. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng phát triển. Đến nay, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã cơ bản hoàn thành. Nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh tiếp tục được thực hiện hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn theo hướng phát triển.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng tổ chức đảng, củng cố hệ thống chính trị theo tinh thần: Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thị ủy kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo tại Đảng bộ thị xã tiếp tục được quan tâm, trong đó có việc phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, các đồng chí Thường trực Thị ủy trực tiếp đảm nhận, tham gia giải quyết các vấn đề lớn, trọng điểm, vấn đề phát sinh của thị xã. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã cũng coi trọng việc phát hiện, lựa chọn đúng, trúng các vấn đề quan trọng và kịp thời xử lý những bất cập nhờ việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng của Nhân dân, nhất là với những sự việc có tính bức xúc phát sinh ở cơ sở để kịp thời chỉ đạo, điều hành, giải quyết.
Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã tiếp tục tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, trong đó tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiệm vụ cụ thể là bám sát các mục tiêu Nghị quyết số 18 ngày 1/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển thị xã Sa Pa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các thông báo, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của Thị ủy Sa Pa. Tiếp tục coi trọng, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ cùng với đó là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo ra xung lực mới, nguồn nội lực mạnh để xây dựng Sa Pa tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và hài hòa.
Năm 2025 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ xây dựng và phát triển thị xã Sa Pa đặt ra rất nặng nề nhưng với niềm tin mới, khát vọng mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sa Pa tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, giữ trọn niềm tin, tập trung cao độ tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xây dựng thị xã Sa Pa ngày càng phát triển, xứng danh là khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế.
Ngày 1/11/1950, Chiến dịch Biên giới thu đông 1950 (Chiến dịch Lê Hồng Phong 2) giành thắng lợi lớn, giải phóng hoàn toàn thị xã Lào Cai, đánh dấu tỉnh Lào Cai được giải phóng (lần thứ 2). Một bộ phận địch bỏ chạy theo hướng thị trấn Sa Pa để tới Bình Lư, Phong Thổ thuộc tỉnh Lai Châu. Lúc này, quân và dân Sa Pa cùng Trung đoàn 148, Trung đoàn 165 đánh chiếm các căn cứ của Pháp tại thị trấn Sa Pa. Chiều 3/11/1950, Sa Pa được giải phóng. Để tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, ngày 4/11/1950, Tỉnh ủy Lào Cai ra Quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng huyện Sa Pa; đồng chí Trần Long, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy làm Trưởng Ban. Ban Cán sự Đảng huyện Sa Pa được thành lập, tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định nhất quán chỉ có Đảng lãnh đạo mới có thể đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đem đến tự do, độc lập và hạnh phúc.