Quảng bá văn hóa theo cách của người Việt trẻ

Thời gian gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến công nghiệp văn hóa và đặt ra nhiều kỳ vọng để phát triển vốn văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam.

Người dân Nam Phi tìm hiểu và trải nghiệm nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong “Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023”.

Góp sức trong công cuộc đó, nhiều nghệ sĩ và các bạn trẻ đã lựa chọn con đường quay trở lại với văn hóa truyền thống, lấy đó làm điểm tựa để tạo sức bật, đưa bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế theo những cách làm mới đầy hấp dẫn, thú vị và bắt kịp với xu hướng hiện nay.

Mỗi người là một đại sứ

Trở lại bùng nổ sau những năm yên ắng bởi Covid-19, nhiều nghệ sĩ trẻ đã trở thành những đại sứ văn hóa mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới hàng triệu khán giả trên khắp thế giới. Đi cùng với họ là chiếc áo dài, nón lá... cùng những câu hát tiếng Việt thân thương chinh phục bạn bè năm châu.

Nam ca sĩ Trọng Hiếu trong chương trình Eurovision Song Contest Đức 2023 đã mang chiếc nón lá và mặc trang phục áo dài nam lên sân khấu biểu diễn trong đêm chung kết quan trọng của mình. Anh trình diễn ca khúc "Dare To Be Different" và tạo điểm nhấn bằng câu hát "Quê hương Việt Nam đưa con đi thật xa".

Kết quả chung cuộc Trọng Hiếu đạt hạng ba, với anh đó không chỉ là một kết quả hài lòng, mà còn giúp anh làm được điều mơ ước - mang màu sắc truyền thống Việt Nam, âm nhạc âm hưởng dân gian lên sân khấu cuộc thi quốc tế.

Nam nghệ sĩ trẻ Hanbin (Ngô Ngọc Hưng) cũng rất tích cực quảng bá văn hóa Việt với tư cách là thành viên của nhóm nhạc TEMPEST (Hàn Quốc). Anh thường xuyên nói tiếng Việt trong các hoạt động chung với nhóm hoặc dạy các thành viên khác nói tiếng Việt.

Thậm chí, nhiều người hâm mộ của TEMPEST cho biết họ đang học nói tiếng Việt để giao tiếp với thần tượng. Anh cũng quảng bá ẩm thực Việt khi có cơ hội gặp gỡ các ngôi sao Hàn Quốc trong các chương trình truyền hình hay hát “Một con vịt” trên sóng radio của đài MBC.

Theo ông Cường Chu - người sáng lập công ty giải trí Big Arts - việc một số nghệ sĩ Việt Nam ra mắt tại Hàn Quốc là đòn bẩy rất mạnh mẽ không chỉ cho nền công nghiệp giải trí Việt Nam mà còn gián tiếp quảng bá được nhiều khía cạnh khác về đất nước con người, văn hoá, du lịch đến khán giả quốc tế.

Bước ra thế giới, tấm “hộ chiếu văn hóa” mang theo những giá trị truyền thống của dân tộc chính là điều làm nên bản sắc riêng, thành công cho nhiều người Việt trẻ. Để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, bên cạnh các sản phẩm văn hóa hữu hình như bản nhạc, bộ phim, cuốn sách… thì chính mỗi con người Việt Nam là một đại sứ văn hóa với cá tính không thể lẫn với bất kỳ chủ thể của các nền văn hóa nào khác.

Trong thời gian qua, bên cạnh những đóng góp của các nghệ sĩ, hay các chương trình quảng bá văn hóa Việt quy mô lớn ở nước ngoài, nhiều người Việt trẻ đã có cách làm mới mẻ và sáng tạo để tôn vinh hình ảnh Việt Nam.

Tận dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội các nhà sáng tạo nội dung với sự giản dị gần gũi và sáng tạo đã góp phần tăng độ phủ sóng hình ảnh Việt Nam đến với những vùng đất xa xôi. Trước tiên là chia sẻ cuộc sống xa xứ, sau đó là giới thiệu, quảng bá nét đẹp, tinh thần Việt. Trong khi nhiều bạn trẻ cùng trang lứa tìm chọn đến những nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc hay những quốc gia châu Âu, chàng trai trẻ Quang Linh (sinh năm 1997, Nghệ An), chủ nhân kênh Quang Linh Vlog - Cuộc sống ở Châu Phi, lại chọn điểm dừng chân của mình là Angola - một quốc gia chưa thực sự phát triển.

Năm 2019, Quang Linh bắt đầu quay những clip đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt trở thành Youtuber. Ban đầu, clip của chàng trai trẻ chỉ là ghi lại chân thực, phản ánh cuộc sống hàng ngày của bản thân và những bạn bè người Việt nơi đất khách quê người.

Sau đó, chàng trai 9X ghi lại những buổi hoạt động thiện nguyện của mình và các cộng sự tại đây. Đó là clip ghi lại cảnh phát gạo cho người dân Angola, tặng thực phẩm, quần áo, xây dựng nhà mới, lắp đặt hệ thống điện cho bản làng, mang nước sạch về cho người dân bản địa… Sự mộc mạc, chân thật trong từng thước phim của Quang Linh tạo nên nét đặc sắc riêng thu hút sự tò mò, xen lẫn tự hào về chàng trai Việt trẻ tại xứ người.

Đi cùng hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người dân Angola là sự nỗ lực quảng bá văn hóa Việt tại quốc gia này của nhóm Quang Linh, qua các hoạt động thiết thực trong cuộc sống như nấu các món ăn Việt, đến trường học dạy trẻ nói, hát các ca khúc Việt…

Khó có thể tin ở một quốc gia cách Việt Nam hàng chục nghìn km lại liên tục vang lên những ca khúc Việt Nam đầy hào hùng, những đứa trẻ Angola thuộc lòng những bài hát thiếu nhi của trẻ em Việt. Chưa hết, chàng trai 9X và các cộng sự còn tổ chức Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, đám cưới kiểu Việt cho người dân bản địa… những nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, sự hào sảng của con người Việt Nam ở khắp các bản làng mà nhóm giúp đỡ.

Với sự bắt nhịp nhanh của xu hướng, bên cạnh quảng bá qua kênh YouTube, gần đây số lượng các bạn trẻ quảng bá văn hóa Việt thông qua TikTok cũng tăng lên đáng kể. Với mong muốn quảng bá hình ảnh dân tộc mình đến với người dân cả nước và du khách quốc tế, các bạn trẻ, đặc biệt các hot TikToker vùng cao đã và đang hiện thực hóa những dự định của mình, góp phần đưa văn hóa dân tộc đồng bào thiểu số được lan tỏa và được nhiều người biết đến hơn.

Nhắc đến TikToker là người dân tộc thiểu số, không thể không nhắc đến cái tên Chảo Thị Yến (dân tộc Dao ở Bát Xát, Lào Cai). Không quá cầu kỳ, nội dung trong mỗi clip đều được Chảo Thị Yến chọn cách khai thác giản dị để toát lên tối đa chất mộc mạc, đúng với phong cách của người Dao. Giản dị nhưng không có nghĩa nhàm chán, những chủ đề như chữ viết, ăn Tết, trang phục truyền thống, trải nghiệm văn hóa... đều được Yến khai thác qua lời kể hóm hình, qua đó lôi cuốn và giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa vùng sơn cước.

Chảo Thị Yến chia sẻ: "Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số luôn chứa đựng những giá trị tốt đẹp. Nếu không được đẩy mạnh quảng bá, những giá trị ấy sẽ thiếu sức lan tỏa và dần mai một. Không phải ai cũng có điều kiện lên tận vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu văn hóa của bà con. Do đó, việc làm clip quảng bá như vậy sẽ giúp mọi người dù chỉ lướt điện thoại vẫn có thể hiểu ít nhiều về văn hóa, đời sống vùng cao; tạo sự kết nối giữa cộng đồng các dân tộc. Xa hơn là đưa văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến với bạn bè quốc tế".

Trong thành công chung tôn vinh văn hóa và bản sắc Việt Nam, có thể thấy sức trẻ, sức sáng tạo của mỗi cá nhân giống như một đại sứ văn hóa đã góp phần tạo ra những nét kế thừa đầy sinh động, hấp dẫn bạn bè quốc tế và các thế hệ người Việt xa quê. Đi theo xu hướng của thời đại nhưng người trẻ không được quên đi gốc truyền thống của mình, mà phải lấy đó làm động lực hướng tới tương lai.

Mẫu đồng hồ "Hai Bà Trưng" của hãng Christophe Claret sử dụng tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam (Việt Nam).

Con đường hội nhập với văn hóa thế giới

Dòng chảy hội nhập và toàn cầu hóa mang đến sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Giữa sự hỗn tạp văn hóa ngoại lai du nhập, những giá trị truyền thống sẽ là “căn cước” để các bạn trẻ khẳng định sự độc đáo và lan tỏa văn hóa Việt Nam theo cách riêng.

Thế hệ trẻ ngày nay không chỉ đơn thuần là "nhìn về quá khứ", mà họ mang theo những giá trị văn hóa truyền thống và tài sản di sản văn hóa để tái hiện chúng dưới góc nhìn hiện đại và độc đáo. Việc này đã giúp các giá trị văn hóa được duy trì và vươn xa hơn.

Những năm gần đây, văn hóa Việt Nam đang xuất hiện những tín hiệu đáng mừng với sự quan tâm ngày càng lớn của người trẻ trong việc phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống. Từ sở thích, đam mê của mình, ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào việc phục dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa từ di sản của cha ông để lại; tạo ra không ít dự án, sản phẩm thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.

Trong đó có thể nhắc đến những cái tên ca sĩ nổi tiếng như Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy, Hà Myo... rất cố gắng trong việc khai thác nét đẹp văn hóa truyền thống vào các sản phẩm nghệ thuật của mình. Nhiều bộ phim điện ảnh được làm kỹ phần phục trang, tái dựng nét văn hóa đặc trưng của vùng miền như “Tết ở làng Địa Ngục”, “Hồng Hà nữ sĩ”, “Người vợ cuối cùng”...

Ở lĩnh vực mỹ thuật, đã có xuất hiện một vài người trẻ mày mò tìm về những dòng tranh truyền thống để phục dựng và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Cũng tìm niềm cảm hứng nghệ thuật từ chất liệu truyền thống, họa sĩ Nguyễn Xuân Lam với dự án "Vẽ lại tranh dân gian" là một trong những người trẻ dũng cảm đưa yếu tố đổi mới sáng tạo vào các tác phẩm của mình.

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa cổ truyền và chất liệu của nước ngoài, Xuân Lam đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bắc cầu cho Việt Nam đến với thế giới, chẳng hạn như chú gấu Buddy - biểu tượng của Berlin (Đức) mang các hoa văn mỹ thuật Việt Nam hay mâm ngũ quả bằng gốm sứ với họa tiết cổ của Hà Lan và Việt Nam. Càng nghiên cứu, sáng tạo, Xuân Lam càng tìm thấy nhiều điều thú vị trong nghệ thuật Việt Nam mà ít người biết đến, nên đó cũng là trăn trở của anh để mang văn hóa Việt giới thiệu nhiều hơn với bạn bè quốc tế.

Vươn mình ra thế giới, thời gian qua tại Úc, cuốn sách song ngữ Anh - Việt đầu tiên khái quát về cổ phục Việt thời Lê sơ đã được xuất bản với tên gọi “Dệt nên triều đại” do nhóm Trung tâm Việt Nam (Vietnam Centre) thực hiện. Đây có thể được xem là những “sứ giả thầm lặng”, gắn những nhịp cầu góp phần đưa văn hóa Việt Nam không ngừng đi xa, để lại nhiều dấu ấn trong cộng đồng quốc tế.

Còn nhiều hơn nữa những dự án tìm về với truyền thống của các bạn trẻ, tuy nhiên làm như thế nào để khiến những dấu hiệu tích cực này trở thành một nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ vẫn cần có một định hướng cụ thể từ phía các cấp quản lý.

Nếu nhìn ở biên độ rộng hơn về công cuộc quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, trong nhiều năm qua, chúng ta đã có các hoạt động văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn thế giới.

Các hoạt động văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện trên diện rộng hơn, trọng điểm tại những địa bàn truyền thống, những đối tác quan trọng trong quan hệ quốc tế và hướng đến những địa bàn xa còn hiểu biết ít về Việt Nam. Những hoạt động này gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Chúng ta cũng nhận thấy rõ những tăng cường sự hiện diện, tham gia và ảnh hưởng của Việt Nam tại các sự kiện có quy mô, chất lượng, uy tín nhất trên thế giới về văn hóa. Các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh quốc tế vào Việt Nam và các triển lãm của Việt Nam ra nước ngoài thời gian qua cũng đã làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước, và con người Việt Nam, góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó Việt Nam chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa, trong đó nổi bật có Tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), APEC, ASEAN… Chú trọng xây dựng, phát triển các hình thức quảng bá trực tuyến như website, mạng xã hội, các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá.

Các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài tích cực triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia, chủ động quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch theo tinh thần tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Những việc làm trên là nỗ lực đưa văn hóa Việt cùng hội nhập với văn hóa thế giới. Dù đã gặt hái được những thành quả nhất định nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều tiềm lực văn hóa phong phú, dồi dào, đậm đà bản sắc dân tộc cần được khai mở. Và để làm được điều đó cần phải có những những chính sách để đào tạo các thế hệ người Việt tiếp nối giá trị truyền thống; thúc đẩy, động viên người trẻ học tập, sáng tạo để đưa những giá trị đó đi muôn nơi, giới thiệu với bạn bè quốc tế một Việt Nam giàu bản sắc.

Báo Đại đoàn kết

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sức lan tỏa từ lời kêu gọi của Mặt trận

Sức lan tỏa từ lời kêu gọi của Mặt trận

Kế thừa truyền thống vẻ vang trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua (18/11/1930 - 18/11/2024), với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024

Tối 16/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024 đã chính thức diễn ra. Đây là sự kiện thường niên, hướng tới việc tôn vinh truyền thống đại đoàn kết dân tộc và di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em.

Nghề làm mã ở Bảo Hà

Nghề làm mã ở Bảo Hà

Cầm tinh tuổi Ngọ, như lời ông nói đó cũng là nhân duyên khi ông được coi là người đầu tiên đưa nghề làm mã về đất Bảo Hà. Năm nay đã gần 60 tuổi, ông Trần Văn Nghị ở bản Bảo Vinh, xã Bảo Hà (Bảo Yên) hào hứng nhớ lại câu chuyện của 24 năm về trước, ông khăn gói về Yên Bái học nghề đan và làm mã.

Thưởng trà, ngắm tranh - sức hút mới từ thú vui tao nhã

Thưởng trà, ngắm tranh - sức hút mới từ thú vui tao nhã

Văn hóa thưởng trà của người Việt vốn ấm cúng, gần gũi và mộc mạc. Trải qua thời gian, văn hóa ấy không ngừng được bổ sung những giá trị mới. Trong đó, có thể tới nhiều mô hình: thưởng trà nghe nhạc, thưởng trà mạn đàm, thưởng trà vịnh thơ... và thời gian gần đây còn là "trà - tranh"một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Thành phố Lào Cai là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa. Sự đa sắc màu của tộc người, với những lễ hội độc đáo, nét văn hóa riêng biệt đã làm nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc của thành phố biên cương. Để tiếp nối mạch nguồn lặng lẽ chảy suốt ngàn năm, thành phố Lào Cai đã và đang bảo tồn, phát huy các giá trị để văn hóa thực sự là nền tảng, là trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển.

Đưa văn học thiếu nhi ra biển lớn

Đưa văn học thiếu nhi ra biển lớn

Suốt một thời gian dài, văn học thiếu nhi có phần bị xao nhãng, thậm chí bỏ trống. Tuy nhiên gần đây, với nhiều giải thưởng và nhất là văn học thiếu nhi của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài cho thấy con đường ra biển lớn đã rộng mở.

fbytzltw