Sự ra đời của Quân giải phóng miền Nam để lại nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, trong đó có bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hôm nay (8/1), Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhân dịp này, VOV.VN trân trọng giới thiệu bài viết “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam – Bài học xây dựng lực lượng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay” của Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng.
Thiếu tướng PGS, TS Vũ Cương Quyết (Ảnh: qdnd.vn)
Đầu năm 1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ra Nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, trong đó nhấn mạnh: Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta cả hai mặt chính trị, quân sự và kiện toàn cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ.
Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Tổng Quân ủy, Trung ương Cục miền Nam ra quyết định thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên chiến trường miền Nam, được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu làm nòng cốt cho nhân dân miền Nam tiến hành đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sự ra đời của Quân giải phóng miền Nam không những đáp ứng kịp thời những đòi hỏi bức xúc của tình hình miền Nam, mà còn là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội, để lại cho hôm nay và mai sau nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, trong đó, bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây cũng là nét độc đáo, sáng tạo điển hình của nghệ thuật tổ chức lực lượng và lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chiến tranh của Đảng Lao động Việt Nam.
Điều đó được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng Việt Nam cũng như quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiến hành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã nắm vững thời cơ, đề ra những quyết sách đúng đắn, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hoạt động của cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng và thu được những thành tựu có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ hai (1961 - 1965), Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa III) đã nêu rõ: đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ở hai miền Nam - Bắc, trong đó, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam đủ mạnh, để từng bước đánh bại từng chiến lược, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay trong ngày đầu thành lập tháng 1/1961, tại Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam họp hội nghị mở rộng lần thứ nhất, ra Nghị quyết chuyên đề về đấu tranh quân sự và xây dựng các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Hội nghị quyết định thành lập hệ thống tổ chức quân sự trên toàn Miền. Theo đó, lực lượng vũ trang có bộ đội chủ lực Miền (tổ chức cao nhất là trung đoàn, mật danh Q); bộ đội chủ lực các quân khu; bộ đội địa phương các tỉnh, huyện; dân quân du kích xã, ấp; tổ đội biệt động, vũ trang bí mật ở các đô thị... Về tổ chức chỉ huy quân sự các cấp xã, thành lập ban quân sự xã (xã đội, mật danh Y), huyện thành lập ban quân sự huyện (huyện đội, mật danh V), tỉnh thành lập ban quân sự tỉnh (tỉnh đội, mật danh U), quân khu thành lập bộ tư lệnh quân khu (mật danh ban quân sự T). Cơ quan chỉ huy quân sự cao nhất là Ban Quân sự Miền (mật danh Ban Quân sự R).
Trong giai đoạn 1961 - 1965, để chủ động ứng phó với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, Trung ương Đảng chỉ đạo Trung ương Cục lãnh đạo Quân giải phóng miền Nam tập trung xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong đó, chú trọng phát triển bộ đội chủ lực cả về biên chế, tổ chức và vũ khí, trang bị. Nhờ vậy, chỉ sau một năm thành lập (1962), Quân giải phóng miền Nam đã xây dựng được 2 trung đoàn bộ binh ở miền Đông Nam Bộ và 3 trung đoàn bộ binh ở Quân khu 5. Đây là những đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên ở miền Nam đặt nền móng cho Quân giải phóng miền Nam không ngừng phát triển lớn mạnh.
Bước sang giai đoạn 1965 - 1968, nhằm cứu vãn tình thế thất bại trên chiến trường miền Nam, Mỹ đưa quân viễn chinh và các nước đồng minh của Mỹ vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tham chiến. Khối binh lực này ngày càng tăng, được trang bị hiện đại, có hoả lực mạnh, sức cơ động cao và là đối tượng tác chiến của Quân giải phóng miền Nam. Để giành thắng lợi, Quân giải phóng miền Nam đã tích cực nghiên cứu nắm địch, đồng thời chủ động phát triển nhanh lực lượng từ 5 trung đoàn lên 6 sư đoàn và bố trí thành ba khối chủ lực cơ động, triển khai hợp lý trên các chiến trường. Cùng với đó, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã thành lập các Quân khu để thuận tiện cho chỉ đạo và hoạt động của các đơn vị Quân giải phóng ở lại địa bàn.
Để đáp ứng yêu cầu tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, Quân Giải phóng không ngừng phát triển mở rộng quy mô, nhiều đơn vị mới được thành lập. Đây là giai đoạn Quân giải phóng miền Nam phát triển vượt bậc về quy mô tổ chức, vũ khí trang bị và trình độ tác chiến, chuẩn bị mở các chiến dịch tiến công, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng nhằm tiêu diệt quân địch trên toàn chiến trường miền Nam kết thúc chiến tranh.
Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng quân đội bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì thế, đòi hỏi cơ quan các cấp nhất là cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 16/6/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII), Kết luận số 16-KL/TW ngày 07/7/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021”, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong đó, cần tập trung chấn chỉnh một bước cơ bản, tạo sự đột phá quan trọng về điều chỉnh tổ chức, biên chế quân đội, trước mắt là sắp xếp lại các cơ quan chiến dịch, chiến lược và hệ thống nhà trường quân đội, các đơn vị làm kinh tế - quốc phòng; giảm cơ quan, lực lượng trung gian, phục vụ, tăng lực lượng trực tiếp chiến đấu, sản xuất, kinh doanh. Điều chỉnh cơ cấu quân đội hợp lý, cân đối giữa lục quân và các quân binh chủng; giữa chủ lực và địa phương; giữa thường trực và dự bị động viên, dân quân tự vệ; ưu tiên cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, biển đảo, thềm lục địa và biên giới. Tiếp tục nghiên cứu tổ chức quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, tiện cơ động, có sức chiến đấu cao, nhất là tổ chức lữ đoàn bộ binh, các đơn vị đặc biệt cơ động phản ứng nhanh và tiến tới xây dựng lực lượng tác chiến chiến lược. Từng bước hình thành Quân chủng Lục quân; nghiên cứu tổ chức binh chủng tên lửa chiến lược hiện đại phù hợp đáp ứng nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Tổ quốc đối phó với chiến tranh công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; tham mưu cho Đảng, Nhà nước đẩy mạnh xây dựng các lực lượng phi vũ trang làm nhiệm vụ kiểm soát trên biển, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Một đơn vị Quân giải phóng Miền Nam. (Ảnh: baotanglichsu.vn)
Hai là, nắm chắc thời cơ, chỉ đạo linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển lực lượng
Đây là nét độc đáo của chiến tranh cách mạng Việt Nam, để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã vận dụng linh hoạt đường lối chính trị độc lập, tự chủ, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung là hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định: Miền Bắc là hậu phương lớn, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có vai trò quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước; miền Nam là tiền tuyến lớn, cách mạng miền Bắc quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ, thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đó là nét độc đáo chưa có tiền lệ trong lịch sử và là thành công lớn của Đảng ta; đồng thời, là nguyên nhân chủ yếu, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Việc xác định đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược, tài thao lược xuất sắc của Đảng, nhất là ở những thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến. Trước tình thế chính quyền phản động Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam, thẳng tay đàn áp các chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; ngoài ra không có con đường nào khác. Chủ trương đúng đắn đó của Đảng đã trở thành động lực thúc đẩy cách mạng miền Nam vững bước tiến lên. Mở đầu là phong trào Đồng khởi vào cuối năm 1959, sau đó nhanh chóng phát triển thành cao trào Đồng khởi trên khắp miền Nam. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã tạo bước ngoặt, đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Đây là sự khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng rất độc đáo, sáng tạo; đồng thời, là cơ sở để Đảng ta tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lần lượt đánh bại các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 -1973) của đế quốc Mỹ.
Cùng với đề ra đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta kiên định phương pháp cách mạng bạo lực, sử dụng lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân là chủ yếu, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đấu tranh ngoại giao trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời, kiên trì thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công. Tư tưởng đó được thực hiện không chỉ trong lúc địch “xuống thang” mà ngay cả khi chúng “leo thang” chiến tranh và không chỉ đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam, mà cả trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc.
Chiến lược tiến công được thực hiện ở mọi thời điểm, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, với phương châm: “Đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, kéo địch xuống thang từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”1. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), quân viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973), cục diện chiến trường chuyển biến có lợi cho ta. Nắm vững thời cơ chiến lược được mở ra, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (khóa III) họp hai đợt (đợt I từ ngày 19/6 đến ngày 6/7/1973, đợt II từ ngày 1/10 đến ngày 4/10/1973) đã khẳng định và củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong thời gian sớm nhất. Năm 1974, quân và dân ta mở các cuộc tiến công tạo thế trên khắp các chiến trường miền Nam, làm cho đối phương bị động, đối phó. Sau thắng lợi của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm, thực hiện kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, đồng thời có phương án nếu thời cơ xuất hiện thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, thậm chí trước mùa mưa năm 1975.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam đã phát triển tới đỉnh cao. Nhân tố bảo đảm cho sự phát triển không ngừng của chiến tranh nhân dân đó là lực lượng vũ trang nhân dân, gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích được xây dựng vững mạnh, bố trí rộng khắp; trong đó, các binh đoàn chủ lực giữ vai trò nòng cốt trong các chiến dịch, thực hiện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Nắm vững quy luật chiến tranh, vận dụng và thực hiện sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, quân và dân miền Nam kiên cường chiến đấu từng bước chuyển hóa cục diện chiến trường theo hướng có lợi, luôn đánh địch trên thế mạnh, thế chủ động, thế bất ngờ. Nét đặc sắc, độc đáo của chiến tranh nhân dân còn được thể hiện ở chỗ đã kết hợp chặt chẽ các nhân tố “thế, lực, thời, mưu” trong từng trận đánh, từng chiến dịch một cách linh hoạt, làm cho địch không thể lường được các hướng, mũi, lực lượng và sức mạnh tiến công của ta. Đó là nhờ nghệ thuật vận dụng linh hoạt, vừa chiến đấu vừa xây dựng phát triển lực lượng, góp phần đánh bại từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi cuối cùng trong trận quyết chiến chiến lược - Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp khó lường của tình hình thế giới khu vực, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền, biển đảo diễn biến ngày càng phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức mới, việc nắm vững thời cơ vận dụng linh hoạt giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó đòi hỏi, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cần chủ động nghiên cứu dự báo nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra đường lối chiến lược, phương hướng xây dựng quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó, sự kết hợp hài hòa giữa hai nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế đất nước phải gắn liền với xây dựng Quân đội, bảo đảm cho Quân đội ngày càng mạnh lên, sẵn sàng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về QP-AN, góp phần tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, sức răn đe kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Ba là, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang
Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là chính nghĩa và được bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, giúp đỡ. Bên cạnh phát huy nội lực, Đảng ta luôn có những chủ trương, giải pháp, bước đi tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất, chính trị tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế. Chỉ tính riêng trong 4 năm (1961 - 1964), Việt Nam nhận 70.295 tấn hàng quân sự (riêng Liên Xô là 47.223 tấn), cùng với một lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật mà Quân đội nhận được từ nguồn viện trợ quân sự của bạn những năm (1961 - 1976)[1] đã tạo điều kiện quan trọng thuận lợi để Quân giải phóng phát triển lực lượng, đồng thời là tiền để nâng cao sức mạnh chiến đấu, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng. Nhờ đó, Quân giải phóng đã thay thế và đổi mới hàng loạt vũ khí, trang bị thuộc thế hệ cũ sang thế hệ mới, hiện đại hơn so với vũ khí, trang bị trong biên chế và dự trữ, đã góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu. Ngoài ra, một số lượng lớn chuyên gia Liên Xô đã sang giúp đỡ Quân đội ta. Đội ngũ chuyên gia quân sự Liên Xô đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam trong xây dựng lực lượng, bố trí phòng thủ, huấn luyện và diễn tập chiến dịch. Việt Nam đã khai thác và sử dụng hiệu quả sự giúp đỡ đó cùng với số vũ khí, trang bị được các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, kết hợp với các nguồn lực sản xuất trong nước, để nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự, kịp thời bổ sung vũ khí, trang bị cho các đơn vị trong quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng của Quân giải phóng miền Nam. Trong khoảng thời gian không dài, một khối lượng lớn hàng triệu tấn vũ khí, trang bị, đạn dược các loại đã được huy động từ các nguồn trong và ngoài nước giúp kiện toàn, bổ sung các đơn vị chủ lực của Quân giải phóng miền Nam, với 50 vạn quân chủ lực và hơn 5 triệu dân quân tự vệ là minh chứng thuyết phục khẳng định chủ trương, đường lối, sách lược tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ từ bạn bè quốc tế của Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn.
Quân giải phóng Miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968. (Ảnh: baotanglichsu.vn)
Ngày nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đứng trước nhiều vận hội, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen. Nhất là từ khi sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã tác động sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Điều đó đã và đang đặt ra cho chúng ta, trong quan hệ hợp tác quốc tế về quốc phòng trong giai đoạn hiện nay, cần phải luôn chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra, phương hướng xử lý từ sớm, từ xa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động bất ngờ về chiến lược. Trong quan hệ đối ngoại quốc phòng nói riêng và quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước nói chung, cần đổi mới tư duy hơn nữa và nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ, cùng có lợi. Đồng thời, giữ vững phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, tạo dựng sự hợp tác cùng có lợi, hình thành thế đan xen, gắn kết lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế với các nước. Tích cực, chủ động tham gia hợp tác đa phương về quốc phòng, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa Việt Nam với các nước. Trên cơ sở đó, mở rộng hợp tác, giải quyết các mâu thuẫn, đẩy lùi các nguy cơ xung đột, chiến tranh, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Trước mắt, trên cơ sở Kết luận số 16-KL/TW và Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII), ngày 16/6/2018, Quân ủy Trung ương đã ban hành hai Nghị quyết 606-NQ/QƯTW về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và Nghị quyết 607-NQ/QUTW về lãnh đạo bảo đảm vũ khí trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2025; Các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về điều chỉnh tổ chức, biên chế quân đội, cần được cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là cấp chiến lược nghiên cứu, quán triệt kỹ, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, khoa học, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần kết hợp chặt chẽ với lộ trình và bước đi phù hợp với tình hình thực tiễn, giữ được ổn định, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ thường xuyên của quân đội; cân nhắc kỹ việc tăng, giảm tổ chức quân số từng khối, từng quân binh chủng, cơ quan các cấp… cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của quân đội, bảo đảm cân đối giữa các lực lượng, giữa tổng quân số với khả năng bảo đảm của đất nước; không “hành chính hóa”, “Nhà nước hóa” trong quá trình điều chỉnh tổ chức quân đội; kết hợp chặt chẽ giữa điều chỉnh tổ chức lực lượng với công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách và sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng, đảm bảo giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, không để ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và hạn chế tác động đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người lao động.
Một mũi tấn công của Quân giải phóng Miền Nam trên mặt trận Quảng Trị năm 1971. (Ảnh: baotanglichsu.vn)
Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc định hướng của Bộ Chính trị trong Kết luận số 16-KL/TW và Nghị quyết số 15-NQ/TW gắn với thực hiện quan điểm, mục tiêu: Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 25 tháng 12 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25 tháng 7 năm 2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25 tháng 7 năm 2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về chiến lược an ninh mạng, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Quá trình điều chỉnh tổ chức quân đội, phải bảo đảm sự ổn định, phù hợp với tiềm lực kinh tế đất nước và các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực. Cùng với đó, cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước, nhất là các nước ASEAN, các nước trong khu vực và bạn bè truyền thống; đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, phát triển khoa học quân sự, hợp tác sản xuất, mua sắm vũ khí trang bị hiện đại phù hợp, bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam có chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.