Quả hồng không hạt mất mùa, mất giá

Xã Bảo Hà (Bảo Yên), nơi được xem là “thủ phủ” trồng hồng không hạt của tỉnh. Khác với cảnh người người, nhà nhà thu hoạch hồng chính vụ nhộn nhịp các năm trước, năm nay không khí đìu hiu, ảm đạm phủ khắp các nhà vườn. Người dân phải vạch lá mót kỹ từng cây mong kiếm được vài quả èo uột.

Ghé thăm vườn hồng của gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng bản Liên Hà 6, hộ có diện tích hồng nhiều bậc nhất của xã, chúng tôi phải mỏi mắt mới thấy vài quả ẩn sau tán lá. Ông Khánh xót xa: Gia đình có gần 100 gốc hồng (20 gốc hồng lâu năm), mỗi năm cho thu hoạch từ 4 đến 5 tấn quả. Đây là cây trồng chính và là nguồn thu nhập chính nhiều năm qua. Vậy mà năm nay hồng bị rụng quả khi còn non, đến thời điểm này mỗi cây lác đác vài quả.

Những quả hồng gần đến ngày cho thu hoạch bị rụng hết, trên cây chỉ còn trơ núm và lá xanh.
Những quả hồng gần đến ngày cho thu hoạch bị rụng hết, trên cây chỉ còn trơ núm và lá xanh.

Là người đã gắn bó với cây hồng hơn 40 năm nay, ông Khánh hiểu rõ quy trình sinh trưởng, đặc tính của cây. Ông Khánh trầm ngâm: Kể cũng lạ, thời điểm ra hoa, đậu quả vẫn bình thường như những năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 4, khi quả to bằng cúc áo thì bắt đầu rụng. Đến tháng 6, cách thời điểm thu hoạch hơn 1 tháng thì quả hồng tiếp tục trút kín gốc và bây giờ thì gần như trắng cây.

Đó là tình cảnh chung của gần 100 hộ trồng hồng ở bản Liên Hà 6. Đi khảo sát ở bản, hộ nào may mắn có cây còn quả thì cũng chỉ được vài chục cân mỗi cây. Không những thế, hình thức quả nhỏ, vẹo vọ, độ ngọt giảm nên thu hoạch cũng khó bán. Xã Bảo Hà hiện có 82 ha hồng không hạt, trong đó gần 30 ha đang cho thu hoạch. Theo đánh giá của UBND xã, so với các năm, năm nay sản lượng hồng giảm 70%.

Vườn hồng lâu năm của gia đình bà Phạm Thị Thơm, thôn Tân An 1 bị giảm 70% sản lượng so với mọi năm.
Vườn hồng lâu năm của gia đình bà Phạm Thị Thơm, thôn Tân An 1 bị giảm 70% sản lượng so với mọi năm.

Đến xã Tân An (Văn Bàn), địa phương có diện tích hồng không hạt lớn của tỉnh, tình trạng tương tự cũng xảy ra. Nhiều vườn hồng vài chục năm tuổi, đang độ cho thu hoạch tốt nhưng năm nay đều bị rụng quả, có vườn rụng hết quả. Xã hiện có 90 ha hồng, trong đó 45 ha đang trong độ tuổi thu hoạch thì hơn 60% diện tích hồng bị rụng quả từ 30% - 70%, còn 30% diện tích tỷ lệ rụng quả dưới 30%, cá biệt có khoảng 10% diện tích rụng hết quả.

Gia đình bà Phạm Thị Thơm, thôn Tân An 1 có gần 100 gốc hồng không hạt cho thu hoạch. Những năm trước, hồng sai quả, gia đình xuất bán trung bình 7 đến 8 tấn quả, thu về hơn 120 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay hồng mất mùa nghiêm trọng, thời điểm hiện tại, gia đình mới thu hoạch được hơn 1 tấn, sản lượng ước giảm 70% so với các năm trước.

Còn hơn 10 ha cây hồng của gia đình chị Phạm Thị Thu, thôn Tân An 2 đã bị rụng hết không còn quả. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, chị Thu buồn rầu: Hơn 600 gốc hồng gia đình trồng từ năm 2010, đã thu hoạch được 3 năm, năm ngoái thu hơn 2 tấn quả. Năm nay dự kiến sản lượng tăng gấp đôi theo chu kỳ sinh trưởng, sẽ có khoản thu lớn từ cây hồng để chi trả khoản vay ngân hàng và thanh toán tiền nhân công chăm sóc. Nhưng vào thời điểm tháng 6 âm lịch, bỗng nhiên hồng bị rụng quả, chỉ trong 1 tuần trên cây không còn lấy một quả. Vợ chồng tôi chỉ còn biết ôm gốc hồng mà khóc.

Hồng không hạt mất mùa là tình trạng chung của người dân vùng trồng hồng Văn Bàn và Bảo Yên.
Hồng không hạt mất mùa là tình trạng chung của người dân vùng trồng hồng Văn Bàn và Bảo Yên.

Gạt vội hàng nước mắt lăn dài trên má, chị Thu nhẩm tính, để đầu tư trồng hơn 10 ha hồng, chi phí ban đầu là hơn 300 triệu đồng, hằng năm chi phí phân bón, nhân công chăm sóc cũng vài chục triệu đồng.

Theo nhận định ban đầu của một số hộ, nguyên nhân khiến năm nay hồng mất mùa có thể do thời tiết. Đầu năm nay, lượng mưa xuân nhiều khiến cây hồng ra hoa kém. Sau đó, từ tháng 4 đến tháng 8, nắng nóng kéo dài, không có mưa nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây hồng. Tuy nhiên, đây chỉ là phỏng đoán vì tuy quả rụng nhưng lá hồng vẫn xanh mướt thì cũng không hẳn do hạn hán...!

Cây hồng không hạt là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng bản Liên Hà 6, vậy mà năm nay trên cây chỉ còn lác đác vài quả.
Cây hồng không hạt là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng bản Liên Hà 6, vậy mà năm nay trên cây chỉ còn lác đác vài quả.

Mùa hồng không hạt bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 8 âm lịch. Đây là loại quả đặc sản, chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại một số xã như Tân An, Tân Thượng (Văn Bàn), Bảo Hà, Kim Sơn (Bảo Yên). Với hương vị thơm ngon, nhiều cát đường, giòn ngọt, đặc biệt không có hạt nên loại quả đặc sản này được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng.

Khoảng 5 đến 6 năm trở lại đây, được ngành nông nghiệp hướng dẫn, người dân đã cải tạo vườn, đốn tỉa, chăm sóc kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, sản phẩm hồng ngâm không hạt đã nâng cao chất lượng, mẫu mã, được thị trường tiêu thụ mạnh với giá cả ổn định. Vào đầu vụ, giá bán hồng quả tại vườn là 20.000 đồng/kg; giữa vụ khoảng 12.000 đến 15.000 đồng/kg. Bình quân 1 cây thu hoạch khoảng 2 đến 2,5 tạ quả mỗi vụ, cá biệt có nhiều cây lâu năm đạt từ 4 đến 5 tạ quả.

Quả hồng không hạt thường chín vào đúng Lễ hội đền Bảo Hà (rằm tháng 7) cho đến tết Trung thu hằng năm, là sản phẩm được du khách thập phương đến chiêm bái đền Bảo Hà chọn mua dâng lễ và mang về làm quà. Tuy nhiên, năm nay ngoài bị mất mùa, quả hồng không hạt cũng mất giá, bởi năm nay hồng chín muộn, quả nhỏ, độ ngọt giảm nên người tiêu dùng không mua. Năm nay giá hồng bán tại vườn chỉ dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, giảm 4.000 đến 7.000 đồng/kg so với mọi năm.

Từ nhiều năm nay, cây hồng không hạt là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở các xã Tân An, Tân Thượng (Văn Bàn), xã Bảo Hà (Bảo Yên).
Từ nhiều năm nay, cây hồng không hạt là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở các xã Tân An, Tân Thượng (Văn Bàn), xã Bảo Hà (Bảo Yên).

Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Cây hồng không hạt là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ trong xã. So với mọi năm thì năm nay sản lượng hồng giảm khoảng 60% - 70%. Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người dân thiếu việc làm, nay quả hồng lại mất mùa khiến đời sống người dân thêm khó khăn.

Nội dung: Kim Thoa

Trình bày: Ngọc Luyến

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên... Do đó, đề nghị phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ.

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết với nhan đề “Tiêu dùng trực tuyến Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng”, dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu dữ liệu Metric, cho thấy 3 quý đầu năm, doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm ngoái.

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

Hơn 10 năm trước, anh Chấu Seo Câu ở thôn Sả Séng là người đầu tiên của xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương) chuyển đổi một số diện tích trồng ngô sang trồng quýt sen. Tới nay, gia đình anh Câu có hơn 4 ha quýt, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch mỗi vụ đạt khoảng 200 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Câu đã thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá khiến nhiều người dân vùng cao ngưỡng mộ.

fbytzltw