Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Có thể kể đến trường hợp gần đây là ông Hàng Seo L. (xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà) vào viện trong tình trạng đa chấn thương, tiên lượng tử vong; anh Nguyễn Văn H. (xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên) bị chấn thương sọ não...
Bác sỹ Phạm Văn Dương, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: Tỷ lệ bệnh nhân có sử dụng rượu, bia chiếm 1/5 bệnh nhân vào cấp cứu. Nhiều bệnh nhân nhập viện bị tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, rối loạn hành vi hoặc mắc các bệnh lý gan, dạ dày… do tác dụng của rượu.
Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh; là 1 trong 4 yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm; có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như rối loạn tâm thần, bệnh tim mạch, tiêu hóa và ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi, phát triển của bào thai... Ngoài ra, sử dụng rượu, bia có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội; 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông, là tác nhân gây tai nạn thương tích, bạo lực gia đình, tội phạm…
Hiện nay, kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông là biện pháp hiệu quả để phòng, chống tác hại của rượu, bia. Công an tỉnh đã và đang tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chất kích thích và hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Trong năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tuần tra, kiểm soát và phát hiện 5.504 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; xử phạt hơn 22 tỷ đồng, tạm giữ hơn 5.000 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hơn 3.000 trường hợp... Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.100 cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu, bia (các cơ sở này đa phần có quy mô nhỏ và sản phẩm là rượu nấu thủ công). Sản lượng rượu sản xuất khoảng 3 triệu lít/năm, lượng tiêu thụ bình quân mỗi năm gần 2 triệu lít các loại. Sản phẩm lưu thông trên thị trường được ngành chức năng đánh giá cơ bản đã tuân thủ theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có hộ kinh doanh chưa chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu và nấu rượu không được cấp phép. Đa số trong đó là cơ sở sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ lẻ, manh mún; quy trình sản xuất, chế biến phần lớn dựa vào kinh nghiệm được truyền lại trong gia đình.
Trong năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã lấy mẫu hậu kiểm gửi kiểm nghiệm tại labo 63 lượt sản phẩm rượu với các chỉ tiêu yêu cầu kiểm nghiệm: Ethanol, Methanol. Kết quả là 100% mẫu kiểm nghiệm đạt chỉ tiêu tự công bố. Kiểm tra test nhanh đối với sản phẩm rượu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương cũng cho kết quả các mẫu đạt tiêu chuẩn. Hằng năm, tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn; chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu, bia có nguồn gốc, xuất xứ. Trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã kiểm tra 11 vụ, trong đó xử lý vi phạm 8 vụ với tổng giá trị xử lý hơn 90 triệu đồng do vi phạm về kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ có nồng độ cồn hơn 5,5 độ nhưng không đăng ký bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ với phòng kinh tế.
Tại cộng đồng, hệ thống y tế cơ sở đang vào cuộc tích cực trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ông Ma Quang Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Năm 2023, các cơ sở y tế đã triển khai, thực hiện các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia; đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp, trong đó đội ngũ y tế thôn, bản đóng vai trò quan trọng...
Với nhiều giải pháp được đưa ra, tuy nhiên quan trọng hơn cả vẫn là mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và chỉ nên sử dụng rượu, bia đúng mức, uống có văn hóa và trách nhiệm với bản thân và xã hội.