Phía sau miền ảo ảnh

LCĐT - Ánh nắng cuối chiều yếu ớt rọi qua kẽ phên nan, chiếu một đường dài trên khuôn mặt gầy gò của Lan. Với người đàn bà đi qua nhiều gấp gãy của số phận ấy, giờ đây sớm hay chiều cũng trôi qua một cách mơ hồ, không rõ rệt.

Nằm một chỗ trên chiếc giường tre gần gãy của cha, Lan từng ngày chờ ngày qua, khi hy vọng khỏe mạnh trở lại ngày càng mong manh hơn bao giờ hết. Cơn đau và cơn ngủ cứ nhập nhòa đan lấy nhau, chiếm lấy khoảng thời gian được sống ít ỏi còn lại của chị.

Tiếng chó sủa từ ngoài ngõ dội vào, rồi có bước chân người ngày càng gần. Lan nghe giọng đàn ông nho nhỏ ngoài cánh cửa liếp:

- Lan ơi! Lan, em có ở nhà không?

Chống hai tay xuống giường để cố gượng dậy xem người vào nhà là ai, nhưng chị vẫn không thể nào nhấc cơ thể lên khỏi giường. Giờ này, con gái chị đã ra chợ đi xin, người cha già thì cuốc đất phía sau vườn. Chị chỉ ở nhà một mình…Giọng nói kia Lan nghe chừng quen lắm, nhưng không kịp nhớ là ai. Chị cất tiếng:

- Ai đó? Cửa không gài đâu. Mời vào!

Có lẽ chỉ chờ có vậy, bóng người đẩy tấm cửa liếp lên, lách vào trong, ngần ngừ nhìn vào chiếc giường nơi Lan nằm. Chậm rãi từng bước, người đàn ông ấy tiến lại phía chị. Nắng chiều đã gần tắt, nên khuôn mặt người khách nhòa nhòa trong cái tối của căn nhà không mở cửa. Mái tóc bù xù, bộ quần áo nhếch nhác cùng mùi hôi bốc ra làm Lan cảm thấy khó chịu và bắt đầu sợ - một nỗi sợ không vu vơ chút nào. Nhưng chị ráng trấn tĩnh.

Người đàn ông đã đứng sát giường, một tay gãi đầu, một tay để mấy lốc sữa lên đầu giường, rồi nhẹ nhàng cất tiếng:

- Lan có khỏe hơn không? Anh đến thăm Lan mấy lần rồi, nhưng không vào, sợ làm Lan thức giấc. Bữa nay, nghe mọi người bảo Lan bệnh chuyển nặng, anh liều vào đây.

Đến lúc này, như có một luồng điện chạy ngang người Lan. Chị giật mình quay hẳn người sang phía người đàn ông đứng đối diện. Toàn thân chị nổi da gà lên và không tin vào mắt mình nữa. Chị thốt lên trong vô thức:

- Anh Hòa…

Trong khoảnh khắc thôi, đôi mắt Lan chạm vào ánh nhìn khuất sau chòm tóc rối của người đàn ông mà chị đã nhận ra. Và, cũng như có một luồng điện chói qua, người kia vụt chạy ra khỏi nhà, di chuyển rất nhanh về cuối xóm. Lan quờ tay theo, cố gượng lật người dậy theo bản năng. Cả cơ thể chị rơi phịch xuống đất…Người cha già nghe tiếng động mạnh trong nhà, quăng cuốc, chạy vào:

- Lan, con làm sao vậy? Sao lại rơi xuống thế này?

- Dạ không có chi đâu ba. Con sơ ý chút đó mà. Con không sao đâu…

Người cha già tóc đã lốm đốm bạc, cố sức bồng đứa con gái phận bạc của mình lên giường, sửa đầu và chân tay lại ngay ngắn. Trước khi ra vườn lại, ông còn quay dặn:

- Con đã đau yếu, phải cẩn thận chứ! Ba ra làm chút nữa rồi nghỉ!

Còn lại một mình với căn nhà đã chìm dần vào bóng tối, tâm trí Lan bắt đầu hỗn loạn. Chị không tin là mình vừa nhìn thấy Hòa, mà người đàn ông ấy lại đến thăm khi biết chị lâm vào cảnh này nữa. Lan ôm mặt, nước mắt trào ra. Kí ức cũng tràn về theo những giọt nước mắt vừa ân hận, vừa xúc động tột độ của chị.

Ngày ấy, cách đây mười mấy năm, làng trên xóm dưới ai cũng biết Hòa và Lan là một cặp xứng đôi vừa lứa. Cả hai nhà đều làm nông nghiệp. Lan duyên dáng, đẹp người. Hòa cũng điển trai, nhưng hơi nhỏ nhẹ, nhút nhát. Sau những mùa hò hẹn bên ruộng đồng, bên rặng tre làng, bên dòng kênh quê, họ tưởng như đã là của nhau khi nhà Lan chấp nhận cho chị làm vợ Hòa. Đám hỏi diễn ra, hai bên gia đình chỉ chờ ngày tổ chức đám cưới cho đôi trẻ…

Nhưng sự đời nhiều lúc tréo ngoeo mà không ai lường trước được. Cách ngày cưới khoảng chừng hai tháng, anh Hòa tự dưng bị bệnh tâm thần. Cái tin ấy bất ngờ lan khắp cả vùng quê vốn yên tĩnh này. Mặc dù gia đình đã đưa đi nhiều bệnh viện, đã mời hết thầy cúng này đến thầy cúng khác, mà bệnh anh Hòa vẫn ngày một nặng thêm…

 Lan ban đầu còn sang thăm hỏi, còn đỏ hoe mắt khi nghe người ta hỏi về duyên phận mình. Nhưng mấy tháng sau, khi bệnh tình anh Hòa không chuyển biến, chị dần dần lung lay vì gia đình và bè bạn tác động vào. Họ bảo hơi đâu đi lấy một thằng điên. Nếu không biết thì thôi, đằng này nó điên rõ ràng, ai ai cũng biết, dại chi mà đâm đầu vào. Cùng thời gian ấy, có một anh chàng tên Lâm, tính tình hoạt bát, ăn mặc chỉn chu, ở dưới trung tâm huyện lên tán tỉnh Lan. Sau vài lần về nhà anh ta chơi, biết gia đình bên ấy cũng khá giả, Lâm nghe đâu lại có nghề buôn bán liên tỉnh, nên chị xiêu lòng ngay.                        

Lan nhớ mãi vào một ngày cuối tháng bảy, chị cùng gia đình sang nhà anh Hòa trả lễ. Với người dân quê lúc ấy và cho đến cả bây giờ, việc đằng gái đi trả lễ cho đằng trai sau khi đã tổ chức đám hỏi là việc vô cùng hiếm hoi và bất thường. Nhiều ánh mắt đổ dồn vào Lan khi cô bước đi trên đường làng. Có lẽ biết số phận con trai mình đã vậy, nên ba mẹ Hòa không nói gì, nhận lễ để Lan rộng đường đi…Nhưng chắc chắn họ đau lắm, vì con trai họ bị người ta chê bai, khinh bỉ, bỏ đi lấy người đàn ông khác giàu hơn, ổn định hơn…

Lúc từ nhà Hòa ra, Lan giật mình khi thấy anh đứng khuất phía sau hàng chè tàu, trân trân nhìn mình. Chị vội đi nhanh lên trước mọi người để ra chỗ để xe, sợ những sự cố xảy đến khi đối diện với một người điên. Nhưng anh Hòa chỉ nhìn không thôi, rồi cất một tràng cười to và dài, bươn đầu chạy ra khỏi ngõ. Tiếng cười ấy cho đến bây giờ Lan vẫn còn ám ảnh mãi…

Cuộc hôn nhân của Lan và Lâm tưởng chừng hạnh phúc khi đám cưới được tổ chức linh đình. Hai vợ chồng nhanh chóng sinh bé Bích, đứa con gái kháu khỉnh và sớm khôn. Dần dần, hình bóng của Hòa không còn trong tâm trí Lan nữa. Nghe đâu anh bệnh ngày càng nặng, hằng ngày lang thang ngoài chợ, xin ăn và ăn thừa những thứ người ta đã ăn, không ai dám lại gần. Lúc gần cưới Lâm và sau cưới ít lâu, Lan nghe bạn bè nói anh Hòa có gửi thư tay, nhờ họ đưa cho chị. Nhưng lần nào Lan cũng xé nát và không hồi âm. Bẵng đi một thời gian lâu, dường như anh Hòa không còn đủ sức để bám theo hình bóng Lan, những lá thư cũng không còn đến tay chị nữa.

Nếu số phận đột ngột đưa anh Hòa vào con đường điên dại, mất vợ ngay trước ngày cưới không bao lâu, thì xem ra cũng không ưu ái gì với Lan. Tưởng như đang trên đỉnh hạnh phúc, thì tai họa ập đến. Khi công an đến tận nhà, còng tay Lâm dẫn đi, chị mới biết chồng mình có chân trong một đường dây buôn lậu xuyên Việt. Anh ta lại còn dính vào bài bạc, lô đề và gái gú. Tất cả sụp đổ trong chốc lát, sự thật này Lan không bao giờ ngờ tới được. Nhưng con bé dại, chồng thì vào tù, chị phải gồng mình lên gánh vác gia đình. Chị vừa phải lặn lội buôn bán nhỏ ngoài chợ để nuôi con gái, vừa phải vào trại giam thăm chồng. Khổ nhất là phải nghe tiếng đời đàm tiếu về việc chị bỏ anh Hòa, giờ lại lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa, chồng thì tù tội. Chẳng biết làm gì hơn, chị nuốt nước mắt vào trong, cố cho qua ngày đoạn tháng.

Ngày Lâm ra tù, Lan khấp khởi vui vì tưởng chồng đã thay tính, đổi nết sau khoảng thời gian lâm vòng lao lý. Nhưng trái với suy nghĩ của chị, ngay khi bước về nhà, Lâm trở thành một tay nát rượu, đánh vợ, chửi con, rồi bài bạc đến nợ nần chồng chất. Biết bao lần thân thể Lan bầm dập dưới những ngón đòn ác của người chồng vũ phu. Đến một ngày, không chịu đựng được nữa, chị viết đơn ly hôn rồi dẫn con về nhà cha đẻ. Mẹ chị đã qua đời từ lâu, sau một cơn bạo bệnh.

Thói đời thường “họa vô đơn chí”. Khi Lan quyết định ly hôn với Lâm thì cũng là lúc chị phát hiện căn bệnh thận hư của mình đã vào giai đoạn cuối. Bệnh tiến triển quá nhanh, đến lúc về nhà cha cũng là lúc chị phải chạy thận thường xuyên ở bệnh viện lớn để duy trì sự sống. Lâm thì bỏ quê lang bạt vào trong Nam, tiếp tục những cơn say và bài bạc, nghe đâu ít lâu sau lấy vợ mới người miền Tây…Lan không còn gì trong tay, bé Bích mới học lớp 7 đã phải ra chợ xin ăn kiếm ít tiền mua gạo nuôi mẹ. Những lúc cùng mẹ ra bệnh viện chạy thận, bé cũng ra trước đường ngồi xin từng đồng bạc lẻ mới có cái ăn, tiền thuốc thang cho mẹ qua ngày. Nhìn cảnh ấy, ai cũng xót xa và ái ngại…Cha Lan đã già, chút hơi tàn chỉ cuốc được tí đất vườn để đủ mắm muối qua ngày, huống chi giờ thêm con trọng bệnh, cháu ăn học. Rồi, vừa đau bệnh, vừa đau khổ, sức khỏe Lan cứ suy kiệt không phanh…

Lại có tiếng chân người vào sân. Dòng suy nghĩ của Lan bị cắt đoạn. Lần này chó không sủa. Lan đoán chắc chắn là bé Bích về. Giác quan của người mẹ đã quen với tiếng đi của con gái mình. Chỉ mới học lớp 7 thôi, nhưng Bích đã hiểu chuyện và siêng năng hơn bạn bè cùng trang lứa nhiều, cho dù chỉ cách đây vài năm, bé vẫn sống trong cảnh chăn êm nệm ấm. Biến cố gia đình đã khiến đứa bé đang tuổi ăn, tuổi chơi phải ra đường xin ăn nuôi mẹ. Nhưng chưa bao giờ Lan thấy con gái than thở hay xấu hổ. Bích chỉ khóc khi nhìn thấy mẹ lên cơn đau quặn thắt từng ngày…

Bé Bích bật điện nhà sáng lên. Cha Lan cũng từ sau vườn bước vào nhà. Ba con người phờ phạc dưới bóng điện yếu ớt. Bích là người lên tiếng trước, khi đã bước đến bên giường, bé nắm lấy tay mẹ xoa xoa bóp bóp :

- Mẹ có khỏe hơn không?

Lan chưa kịp trả lời thì bé Bích đã tiếp:

- Mẹ ơi, chiều nay có chuyện lạ lắm. Chú bị điên hay đi xin ngoài chợ đó, tự nhiên xin cả ngày rồi đem bỏ hết vào mũ của con, còn thêm mấy trái cam, bảo về vắt nước cho mẹ uống. Mà tội, chú ấy đi tới đâu cũng bị người ta xua đuổi… Lúc chiều, khi ngồi xuống cạnh con, nhắc đến mẹ, chú ấy khóc mẹ ạ…

Lan không còn giật mình như lúc anh Hòa vào thăm nữa. Mắt chị nhòe đi khi nghe con kể. Từng lời nói của bé Bích như từng mũi kim châm vào tim chị, trái tim tưởng như đã chai lì đi trước những nỗi đau chị phải gánh lấy. Thì ra chiều nay trước khi đến thăm chị, anh đã ghé lại cho tiền và cam bé Bích. Rồi sau đó, như chưa yên tâm, anh lại mua (hay xin gì đó) sữa, đến tận nhà thăm chị. Và, anh cũng nhiều lần đến thăm, nhưng không dám vào nhà…

Bé Bích xuống bếp. Người cha đi tắm, Lan lại đối diện với chính mình và tự vấn. Chị thấy mình là kẻ khốn nạn nhất trong những kẻ khốn nạn. Giá như ngày ấy, chị vững tâm, không lựa chọn sự hào nhoáng mà bỏ Hòa theo Lâm. Giá như cưới Hòa, biết đâu tình yêu chân thành và sự sẻ chia sẽ làm cho bệnh anh bây giờ đã khá hơn, hai người đã có một cuộc sống tuy không khá giả nhưng hạnh phúc. Giá như…Giá như… Đến giờ, trong lúc nửa tỉnh, nửa mê, anh Hòa vẫn còn lo lắng, quan tâm đến chị và con gái chị. Chính điều đó làm chị đau đớn và dằn vặt hơn.

Đêm tràn nhanh trên xóm làng, trên đám ruộng phía trước nhà. Ngoài đường, trẻ con gọi nhau í ới đi chơi. Góc sân, vài tiếng dế bắt đầu ngân lên khúc nhạc quê đượm buồn. Bất chợt, Lan nghe thấy tiếng cú kêu thê thiết ngay trên cây vú sữa sau nhà. Chưa bao giờ chị sợ và rợn người như lúc này…Tràn lên trong tâm thức Lan là tiếng cười điên dại của anh Hòa sau hàng chè tàu ngày chị sang trả lễ ăn hỏi…

fb yt zl tw