Thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều doanh nghiệp nước ta, tuy nhiên hiện đang siết chặt quy định, tiêu chuẩn hiện hành và gia tăng các yêu cầu liên quan tới việc xanh hoá trong hoạt động sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… Vấn đề này đã đang là những thách thức đáng kể đối với doanh nghiệp, ngành hàng chưa kịp chuyển đổi, bắt nhịp theo xu hướng này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là những ưu đãi về thuế quan, song các tiêu chuẩn, yêu cầu về phát triển xanh và bền vững là tiêu chuẩn cứng. Do đó, tuân thủ, thực hiện được các yêu cầu đó sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ Hiệp định này.
Đồng thời cho rằng, chắc chắn những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU sẽ bao trùm tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của nước ta khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU, cụ thể như: nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý: "Các tiêu chuẩn này là một chuỗi những thay đổi, đó là xanh dần, bền vững dần theo các yêu cầu. Cho nên là các doanh nghiệp nếu muốn tuân thủ thì phải thường xuyên theo dõi mới đảm bảo được việc tuân thủ. Năm nay có thể hàng hóa xuất khẩu của chúng ta tuân thủ, nhưng đến sang năm có thể nói không còn tuân thủ các yêu cầu về xanh bền vững nữa; Bởi vì yêu cầu nó đã được tăng thêm theo lộ trình rồi. Do đó, thích ứng với những tiêu chuẩn này đòi hỏi nỗ lực nhận thức đối với các doanh nghiệp của chúng ta".
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, phát triển xanh, bền vững sẽ là chiến lược đường dài, có lộ trình để doanh nghiệp thích ứng. Theo ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) để đáp ứng xu thế, doanh nghiệp buộc phải bắt nhịp cùng với yêu cầu của thị trường.
"Chúng tôi là những nhà sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, do đó cũng phải có những thay đổi về mặt nguyên liệu trong ngành, như ngành sợi phải mua bông Oganic, rồi phải mua nguồn nguyên liệu tự nhiên, có thể tái chế được. Về phía doanh nghiệp thì phải bám sát rất sát theo yêu cầu thị trường. Chúng tôi xác định phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược trong trung và dài hạn, các giải pháp doanh nghiệp cũng linh hoạt đáp ứng theo yêu cầu của thị trường" - ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường… Từ đó nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường thế giới.