Phát triển truyện tranh Việt: Nhìn từ huyền thoại Đôrêmon

Bộ truyện tranh Đôrêmon được coi là đại diện tiêu biểu cho quá trình hội nhập của ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam.

Công chúng tham quan triển lãm 'Từ Đôrêmon tới Doraemon - 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam'.
Công chúng tham quan triển lãm 'Từ Đôrêmon tới Doraemon - 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam'.

Tuy nhiên, từ bộ truyện thành công nhất của Nhật Bản, chúng ta học được gì và làm được gì để thu ngắn khoảng cách sáng tạo?

Từng có một thời chờ đọc Đôrêmon

Triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon - 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam” diễn ra tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đang thu hút đông đảo công chúng nhìn lại chặng đường phát triển của bộ truyện kể từ khi ra mắt tại Việt Nam vào năm 1992.

Được khởi xướng bởi Lân Tinh Foundation cùng với sự giám tuyển của Chu Kim - sử gia truyện tranh đầu tiên tại Việt Nam, triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon - 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam” đang cho thấy sự quan tâm rất lớn của độc giả Việt Nam đối với manga Đôrêmon.

Năm 1992, Đôrêmon (tên tiếng Việt lúc bấy giờ của Doraemon), bộ truyện tranh Nhật Bản của tác giả Fujiko F. Fujio được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam theo cách đọc từ trái sang phải.

Giám tuyển Chu Kim cho hay, ngay khi bộ truyện ra mắt đã nhanh chóng tạo tiếng vang lớn trên khắp cả nước. Số lượng in lên đến hàng chục vạn bản mỗi tập, tiến độ ra tập mới đều đặn hằng tuần, hệ thống phân phối sôi nổi từ Nam ra Bắc, người lớn, trẻ nhỏ mong ngóng đến ngày các điểm phát hành bày bán tập tiếp theo.

Năm 1998, Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức mua lại bản quyền. Từ năm 2010, cuốn sách được xuất bản với tựa gốc là “Doraemon” theo phương thức đóng bìa gốc, đọc từ phải sang trái. Doraemon chính là một đại diện tiêu biểu cho quá trình phát triển và hội nhập của ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam nói riêng, toàn cảnh văn hóa đại chúng Việt Nam nói chung.

Doraemon không chỉ thu hút trẻ em, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ. Nhiều phụ huynh cũng đã lớn lên với bộ truyện này, và giờ đây cùng con cái trải nghiệm những câu chuyện quen thuộc. Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu Ace Lê – nhà sáng lập Lân Tinh Foundation cho biết, Doraemon là bộ truyện tranh quen thuộc và kinh điển với tất cả trẻ em thế hệ 7 - 8 - 9X, nhưng không phải ai cũng biết đã được Việt hóa thế nào trước khi tác giả Fujiko F. Fujio trao bản quyền sản xuất.

Theo giám tuyển Chu Kim: “Giai đoạn đầu khi Đôrêmon xuất hiện tại Việt Nam chính là phiên bản Việt hóa để thích hợp với tình hình chung, khi trẻ em nước ta lúc đó chưa tiếp xúc nhiều với văn hóa nước ngoài, trình độ ngoại ngữ chưa thông dụng. Đến năm 1998, lần tái bản đầu tiên vẫn giữ lại theo bản Việt hóa.

Nhưng đến năm 2010, thời điểm này Doraemon đã xuất hiện ở Việt Nam 12 năm - một thời gian đủ dài, nhận thức và yêu cầu của độc giả cũng đã thay đổi. Đây là lúc bộ truyện phải được tiệm cận với nguyên tác cùng hình thức đọc từ phải sang trái”.

Chính vì thế, triển lãm tập trung vào 3 giai đoạn chính của Đôrêmon: Phiên bản Đôrêmon không bản quyền (1992); Phiên bản có bản quyền (1998); Phiên bản Doraemon (2010). Mỗi giai đoạn không chỉ phản ánh sự phát triển của bộ truyện, mà còn là những chuyển biến trong nhận thức xã hội và sự phát triển của ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam.

Cảnh một buổi phát hành Đôrêmon phiên bản 1992 tại TPHCM.
Cảnh một buổi phát hành Đôrêmon phiên bản 1992 tại TPHCM.

Rào cản khiến truyện tranh Việt “khó sống”

Không chỉ là huyền thoại ở đất nước Mặt trời mọc, Doraemon còn trở thành bộ truyện quen thuộc ở mọi ngõ ngách trên toàn cầu. Sự thành công của bộ manga không chỉ ở số lượng in ấn khổng lồ, mà còn trở thành nguyên liệu cho phim điện ảnh cùng tên thuộc tốp ăn khách nhất thế giới. Chú mèo máy cũng được công nhận là nguồn cảm hứng cho các tác giả sáng tác truyện tranh tại Nhật Bản và toàn cầu.

Không chỉ học được ở Doraemon những tiêu chí cơ bản của truyện tranh về tính giải trí và tính giáo dục, các tác giả Việt còn thấy ở bộ manga này tính nhận thức, tính nghệ thuật, xây dựng nhân vật điểm nhấn và cấu trúc truyện. Doraemon không chỉ tạo nên làn sóng văn học thiếu nhi ở Việt Nam, mà còn tạo ra phong trào sáng tác truyện tranh thuần Việt.

Hàng loạt họa sĩ thế hệ 8X như Bro, nhóm Phong Dương Comic… với hai cách vẽ thịnh hành trên thế giới là manga và comic, mà: Thần đồng đất Việt, Long thần tướng, Sát thủ đầu mưng mủ, Orange... tạo được hiệu ứng tốt trên thị trường chính là minh chứng. Thậm chí, các họa sĩ còn tạo phong trào chế truyện Doraemon nở rộ trên cộng đồng mạng Việt Nam.

Tuy nhiên giới nghiên cứu cũng cho rằng, để học được và làm được theo bước chân thành công của Doraemon không đơn giản. Ngoài vấn đề xã hội, đội ngũ sáng tác còn phụ thuộc rất nhiều vào các vấn đề liên quan đến chính sách, và đặc biệt là vấn đề bản quyền vốn rất nhức nhối ở Việt Nam.

Một bộ truyện tranh vừa được phát hành đã lập tức bị in lậu, nhái. Tập truyện bản quyền phát hành trên mạng có thu phí, không ai vào đọc; thay vào đó, người ta sẵn sàng tìm đến những web lậu. Thậm chí, người đọc còn quay sang tẩy chay cả tác giả lẫn đơn vị phát hành bản quyền.

Thị trường truyện tranh tại Việt Nam dù được đánh giá là sôi động, đội ngũ tác giả đông đảo, có sức sáng tạo lớn. Tuy nhiên, cũng nhiều tác giả trở nên tuyệt vọng sau khi tác phẩm ra đời lại bị xâm phạm.

Dù đã có chế tài, nhưng hầu hết các vụ việc để giải quyết được đều rất mất thời gian, công sức và cả tiền bạc. Vụ xử tranh chấp bản quyền tác giả “Thần đồng đất Việt” là một điển hình, cho thấy những vấn đề mang tính rào cản khiến truyện tranh Việt chưa kịp lớn đã chết yểu.

Trong khuôn khổ triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon - 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam”, ban tổ chức sẽ có buổi thảo luận “Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ” diễn ra vào ngày 22/9. Các chuyên gia sẽ trao đổi kết quả nghiên cứu về quá trình hiện diện và phát triển của truyện tranh Nhật Bản ở Việt Nam. Đồng thời, sẽ đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, phát triển chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa xuất bản, đặc biệt là truyện tranh; bảo vệ và khai thác sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan, cũng như nâng cao năng lực sáng tác và nghiên cứu về truyện tranh tại Việt Nam.

Theo giaoducthoidai.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phát huy di sản văn hóa dân tộc qua nghệ thuật biểu diễn

Phát huy di sản văn hóa dân tộc qua nghệ thuật biểu diễn

Nghệ thuật biểu diễn là một trong những hình thức để truyền tải thông điệp về di sản văn hóa dân tộc. Những năm qua, bằng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai đã tập trung xây dựng các chương trình, tiết mục nghệ thuật biểu diễn phục vụ Nhân dân, đồng thời quảng bá di sản văn hóa các dân tộc Lào Cai đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Viết cho ngày tình yêu

Viết cho ngày tình yêu

Khi chúng ta yêu, chúng ta có mùa xuân, như đang trở về tuổi thanh xuân. Tình yêu ấy chưa bao giờ cũ đi, chưa bao giờ tàn lụi mà luôn lấp lánh như giọt sương dưới ánh nắng ban mai của mối tình đầu đầy thi vị…

Múa khèn

Múa khèn

Tiếng khèn như gió rừng tạt không dứt
Tiếng khèn như gió núi cuốn chẳng dừng...

Đón xuân mới cùng sắc hoa tinh khôi

Đón xuân mới cùng sắc hoa tinh khôi

Mùa xuân có nhiều thứ hoa bừng nở. Nhưng đẹp nhất, đặc trưng mùa xuân nhất là hoa mận, hoa đào và hoa lê. Lào Cai quê ta vốn là xứ sở của mận, của đào, của lê, bây giờ càng nhiều. Thường thì cái đẹp thường là của hiếm. Nhưng hoa mận, hoa đào hoa lê quê ta nhiều thêm mà vẫn giữ nguyên giá trị của vẻ đẹp của hoa mùa xuân.

Lào Cai rộn rã chào Xuân mới

Lào Cai rộn rã chào Xuân mới

Chương trình nghệ thuật “Chào Xuân mới - Xuân Ất Tỵ 2025” tổ chức vào tối 28/1, tức 29 tháng Chạp tại Quảng trường phố đi bộ, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) đã thực sự trở thành “bữa tiệc” văn hóa với những thanh âm rộn rã, sôi nổi chào Xuân.

Sống cùng nghệ sỹ những ngày cuối năm

Sống cùng nghệ sỹ những ngày cuối năm

Những ngày cuối năm, ai cũng muốn trở về nhà sắm sửa, chuẩn bị Tết, sum họp với gia đình để cùng bước qua năm cũ, đón chào năm mới. Thế nhưng, với ca sỹ, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh thì đây lại là thời điểm bận rộn, tất bật với công việc nhất.

fb yt zl tw