LCĐT - Cây gắm là một trong những lâm sản phụ mang lại nguồn thu khá cho nhiều hộ ở xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tuy nhiên, rất cần đảm bảo cân bằng giữa yếu tố khai thác với bảo tồn loại cây này và bảo vệ rừng.
Cây gắm đem lại thu nhập khá
Chị Hoàng Thị Dung (thôn Liêm) được ông bà, cha mẹ truyền lại nghề nấu cao gắm truyền thống của người Tày. Đây là phương thuốc quý để hỗ trợ điều trị một số bệnh về xương khớp, gan. Trước đây chị chỉ nấu cao gắm phục vụ nhu cầu của gia đình và làm quà tặng bạn bè, người thân. Khoảng 5 năm gần đây, khi công dụng chữa bệnh của cây gắm được nhiều người biết đến và tìm mua sử dụng, chị đã mở rộng quy mô sản xuất. Mỗi tháng, gia đình chị Dung nấu và cung cấp ra thị trường khoảng 80 - 90 kg cao gắm với giá bán từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg. Việc nấu cao gắm đã giúp gia đình chị có thêm nguồn thu.
Là người có nhiều năm nấu cao gắm, chị Hoàng Thị Tâm (cùng thôn Liêm) chia sẻ: Không đơn giản để nấu được nồi cao gắm. Người dân phải lặn lội vào rừng sâu lấy thân cây gắm, sau đó mang về rửa sạch, chặt nhỏ và cho vào nồi nấu. Quá trình nấu thân gắm khoảng 2 - 3 ngày cho tới khi nước cạn thì lọc bỏ bã. Tiếp tục đem nấu cho đến khi xuất hiện bột sánh màu cánh gián thì khuấy đều, đạt độ đặc quánh thì đổ ra khuôn, chờ nguội là có cao thành phẩm. Nấu cao gắm phải để lửa liên tục cả ngày và đêm.
![]() |
Người dân thôn Liêm nấu cao gắm. |
Nguyên liệu nấu cao gắm gồm thân và rễ của cây. Gắm là cây dược liệu có dạng thân leo, bám, quấn vào các cây to trong rừng. Muốn lấy được nguyên liệu, người dân phải đi vào rừng sâu, trèo lên cây để chặt dây gắm. Việc vào rừng lấy nguyên liệu chủ yếu do đàn ông, thanh niên có sức khỏe, am hiểu đi rừng mới có thể tìm và lấy được nhiều. Theo chia sẻ của người dân địa phương, nếu đi từ sáng sớm đến tối, mỗi người có thể lấy được khoảng 30 - 50 kg nguyên liệu.
Được biết, nghề nấu cao từ cây dược liệu đã có từ lâu ở xã Liêm Phú. Nhằm bảo tồn nghề này, xã đã thành lập Tổ liên kết sản xuất cao dược liệu gồm 22 thành viên là hội viên Hội Phụ nữ xã. Sản phẩm chính của tổ liên kết là sản phẩm cao gắm, bài thuốc gia truyền của dân tộc Tày chữa các bệnh đau nhức xương, khớp, tê bì chân tay, đau lưng… Ngoài ra còn một số sản phẩm cao lá trị bệnh mẩn ngứa, rôm sảy cho trẻ và cao tắm dành cho phụ nữ sau sinh.
Mỗi tháng, tổ liên kết nấu và cung ứng ra thị trường khoảng 500 - 600 kg cao thành phẩm các loại. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu thông qua bán hàng qua mạng internet. Chị Hoàng Thị Tâm cho biết: Tôi đăng sản phẩm và bán trên mạng xã hội facebook, zalo. Hiệu quả sử dụng của sản phẩm được khách hàng phản hồi rất tốt, lượng bán ra ngày càng tăng. Tuy nhiên, đây là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người nên chúng tôi mong được cơ quan chuyên môn cấp chứng nhận để tạo thêm sự tin tưởng của khách hàng.
Từ khi thành lập tổ liên kết, các thành viên luôn tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm, đủ khối lượng thành phẩm, không sử dụng chất phụ gia, thống nhất giá bán, hợp tác trong việc quảng bá sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liêm Phú cho biết: Tổ liên kết đã được Sở Công thương hướng dẫn làm tem, mác và đóng gói sản phẩm. Chúng tôi đang kết nối với các cơ quan, ban, ngành để được hướng dẫn đăng ký thương hiệu và tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Cần cân bằng giữa khai thác, bảo tồn lâm sản và bảo vệ rừng
Hiện nay, việc sản xuất cao gắm phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu là cây gắm mọc tự nhiên trong rừng. Được biết, xã Liêm Phú có hơn 670 ha rừng đặc dụng có phân bố cây gắm. Dựa vào số lượng sản phẩm cao gắm của người dân sản xuất thì mỗi năm, trữ lượng khai thác loại cây này ước tính hơn 3.650 tấn cây tươi/năm - một con số không nhỏ. Cây gắm đã khai thác thì mất khoảng 3 - 5 năm sau mới có thể cho thu hái kỳ tiếp. Nếu khai thác tận diệt thì sẽ cạn dần nguồn nguyên liệu. Vì vậy, nếu không có biện pháp, kế hoạch khai thác, bảo tồn thì việc duy trì, phát triển ổn định nguồn nguyên liệu rất khó khăn.
Với vai trò là Tổ phó Tổ liên kết sản xuất cao dược liệu xã Liêm Phú, chị Hoàng Thị Dung đã tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ và các hộ trong xã không được khai thác tận diệt cây gắm. Biện pháp khai thác là chỉ chặt dây, giữ lại tối thiểu 1 - 2 m thân cây gần gốc, tuyệt đối không đào rễ nhằm giúp cây tái sinh.
Theo ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú, việc khai thác cây gắm trên địa bàn đang diễn ra tự phát, nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái tự nhiên. Để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa khai thác, bảo tồn lâm sản và bảo vệ, phát triển rừng, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với việc khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng, thực hiện các biện pháp khai thác hợp lý.
Chính quyền xã mong các cấp, các ngành chức năng sớm có biện pháp nhằm quản lý, khai thác, phát triển lâm sản ngoài gỗ tại địa phương một cách bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, đồng thời bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên.