Phát sóng di động tại 100% xã trên địa bàn toàn tỉnh

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, các khu vực trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng thiệt hại cả về người, tài sản, công trình công cộng, trong đó có công trình hạ tầng viễn thông (cột, nhà trạm, tuyến truyền dẫn) trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhằm đảm bảo duy trì thông tin liên lạc và đảm bảo công tác chỉ đạo cứu hộ, chống lũ trong hoàn cảnh khó khăn, ngay từ những ngày đầu hoàn lưu bão gây ảnh hưởng tại các địa phương trong tỉnh, ngành thông tin và truyền thông đã nỗ lực, khắc phục khó khăn để khôi phục sóng di động tại các địa phương bị ảnh hưởng.

dd.jpg
Hạ tầng viễn thông bị hỏng nặng do ảnh hưởng của mưa lũ.

Những ngày qua, gần như toàn bộ nguồn nhân lực trong ngành thông tin và truyền thông được huy động, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai gây ảnh hưởng đến hệ thống thông tin truyền thông. Thiên tai khiến nhiều khu vực bị sạt lở, gây hỏng, đứt các tuyến truyền dẫn, đồng thời mất điện hoàn toàn dẫn đến các trạm BTS ngừng hoạt động trên diện rộng, cao điểm toàn tỉnh có 423/1221 trạm BTS bị mất liên lạc. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với ngành thông tin truyền thông lên tới 72,3 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại lĩnh vực bưu chính là 186 triệu đồng (thiệt hại các điểm Bưu điện văn hóa xã chưa xác định được); thiệt hại lĩnh vực viễn thông là 65,5 tỷ đồng; thiệt hại thông tin cơ sở: 6,5 tỷ đồng.

máy nổ.jpg
Vận chuyển máy nổ để duy trì hoạt động của các trạm BTS.

Không quản mưa bão, vượt mọi địa hình, các doanh nghiệp viễn thông đã cử hàng trăm cán bộ kỹ thuật cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng bước vào những khu vực trọng điểm nhất của các địa bàn ảnh hưởng. Trong bối cảnh giao thông bị chia cắt nghiêm trọng, nhiều điểm sạt lở lớn khiến các phương tiện giao thông cơ giới không thể di chuyển, người lao động đã đi bộ vượt núi, dùng sức mình vận chuyển máy, thiết bị với quãng đường hàng chục cây số để ứng cứu sự cố viễn thông.

ddd.jpg
Giao thông chia cắt, cán bộ kỹ thuật phải đi bộ, dùng sức người để vận chuyển vật tư sửa chữa.

Trong đợt thiên tai lần này, xã Phúc Khánh (Bảo Yên), Bản Cái, Nậm Lúc (Bắc Hà) là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Trận lũ lớn gây sạt lở đất nghiêm trọng và mất sóng trên diện rộng tại địa bàn các địa phương này dẫn đến việc bị cô lập công tác cứu hộ, cứu nạn. Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của tỉnh, ngành thông tin truyền thông đã khẩn trương triển khai lực lượng kỹ thuật và phương tiện đến khu vực gặp sự cố để khôi phục mạng lưới liên lạc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở.

cấp mạng.jpg
Phát sóng viễn thông phục vụ công tác thông tin liên lạc tại Làng Nủ.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chính quyền và người dân, các doanh nghiệp đã tập trung nhân lực, phương tiện, thiết bị phục vụ ứng cứu, duy trì thông tin liên lạc. Đến nay, mạng viễn thông đã khắc phục được phần lớn các trạm phát sóng, trong đó có các xã điểm nóng như Phúc Khánh, Trung Lèng Hồ, A Lù, Bản Cái, Nậm Lúc, Nậm Khánh. Tại Phúc Khánh, Bản Cái, Viettel đã triển khai phát trạm 4G công nghệ mới khẩn cấp để phục vụ chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại 2 “điểm nóng” là Làng Nủ và Nậm Tông.

Cũng theo ông Quang, do hiện nay nhiều tuyến giao thông trên địa bàn các huyện vẫn còn chia cắt, chưa được khắc phục, đặc biệt, do chưa có điện lưới, nên còn nhiều trạm thu phát sóng thông tin di động phải dùng xăng dầu để sử dụng máy nổ nhằm duy trì, phát sóng, đảm bảo thông tin liên lạc, các doanh nghiệp viễn thông phải phân tán, không đủ nhân lực để kịp thời duy trì thông tin. Do vậy, trước khi điện lực cung cấp điện lưới, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các huyện cân đối nhân lực, chỉ đạo các xã hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp cử người vận chuyển, tiếp tế xăng dầu đến các trạm BTS nhằm đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trong thời điểm khó khăn này.

khắc phục sự cố.jpg
Ứng cứu sự cố viễn thông trong mọi hoàn cảnh, thời tiết.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến tối 15/9, xã Tân Tiến là xã cuối cùng bị mất sóng của cả 3 nhà mạng cũng đã chính thức có sóng di động, các doanh nghiệp viễn thông đã khắc phục phát sóng 383 trạm BTS. Hiện nay, công tác khắc phục vẫn đang tiếp tục được thực hiện, toàn tỉnh hiện còn 29 tuyến cáp truyền dẫn, 40 trạm BTS cần ứng cứu. Như vậy, tính đến hết ngày 15/9, 100% số xã, phường, thị trấn bị mất sóng di động đã được khắc phục, có thể kết nối viễn thông ít nhất 1 nhà mạng. Thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Mường Khương, Sa Pa, Văn Bàn, Si Ma Cai khắc phục xong toàn bộ các trạm phát sóng.

Với sự tận tâm và khả năng phản ứng nhanh chóng, ngành thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai đã khắc phục các sự cố mạng viễn thông trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo các dịch vụ di động và internet được phục hồi kịp thời, giúp cơ quan chức năng và người dân đảm bảo thông tin liên lạc trong tình huống khẩn cấp.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Hai Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi và miễn, hỗ trợ học phí cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục nước ta.

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về công tác chấm thi trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, việc bảo đảm quyền lợi cho thí sinh trong khâu chấm thi, độ khó của đề thi Toán, Tiếng Anh,...

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Với 11 tỉnh/thành phố không có sự biến động, mã vùng điện thoại cố định vẫn giữ nguyên. Với 23 tỉnh/thành phố mới được sắp xếp từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sẽ áp dụng song song các mã vùng điện thoại cố định, sau đó dự kiến sẽ áp dụng theo mã vùng của tỉnh mới.

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và đưa vào vận hành mô hình chính quyền hai cấp, đến nay, bộ máy hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn gần dân, sát cơ sở, giải quyết công việc nhanh gọn, minh bạch, tăng sự hài lòng của người dân.

fb yt zl tw