Trước đây, trên địa bàn huyện Si Ma Cai, đồng bào vùng dân tộc thiểu số thường để người chết trong nhà 3 - 7 ngày mới đưa đi chôn cất. Đặc biệt có đám hiếu còn tổ chức “lễ ra nắng”, ăn uống nhiều ngày ảnh hưởng đến lao động sản xuất, gây thiệt hại kinh tế, sức khỏe gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, việc thả rông gia súc gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sức khỏe, cản trở quá trình xây dựng nông thôn mới. Những tập quán lạc hậu ở huyện vùng cao Si Ma Cai rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền tư tưởng phản động, gây chia rẽ sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc; mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu trong đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong huyện Si Ma Cai đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc nâng cao nhận thức cho Nhân dân về những hành động, âm mưu của các thế lực thù địch; cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu. Một trong những giải pháp đưa ra đạt kết quả cao là phát huy tối đa vai trò của người có uy tín, trưởng bản, trưởng các dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, dân trí ở các thôn, bản, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Thào A Vần, người có uy tín tại thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai chia sẻ: Với vai trò là người có uy tín, tôi luôn chú trọng vận động bà con xóa bỏ tập quán lạc hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Si Ma Cai hiện có 61 người có uy tín trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động Nhân dân, người có uy tín trên địa bàn chủ động thành lập nhóm zalo. Đến nay, trên địa bàn huyện có 16 nhóm zalo của người có uy tín hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Si Ma Cai đã đạt được những kết quả quan trọng như: Một số tập quán lạc hậu trong việc cưới đã được hạn chế; 100% hộ dân khi tổ chức cưới, hỏi cho con, cháu đều thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, ăn uống hợp vệ sinh, không thách cưới cao, tổ chức ăn uống dài ngày, lãng phí; gia đình khi có người chết tổ chức đúng quy định, nhưng vẫn giữ được phong tục, tập quán của dân tộc...
Phong trào cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn đã đạt được kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh, làm chuồng trại gia súc xa nhà ở... được triển khai tại các thôn, bản, khu dân cư. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, người uy tín đã tích cực tham gia, vận động người dân trên địa bàn xây dựng, triển khai thực hiện các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Quản lý, giáo dục con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “Tự quản trong dòng họ”, “Đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái pháp luật”…
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai vẫn còn gặp những khó khăn, như người dân sống không tập trung; đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn; một số phong tục, tập quán lạc hậu tuy từng bước được xóa bỏ, nhưng đâu đó vẫn tồn tại; trình độ học vấn của người có uy tín còn hạn chế... Ông Phạm Ức Trai, Phó Trưởng ban Dân vận huyện Si Ma Cai cho biết: Trong thời gian tới, huyện tập trung quán triệt quan điểm của Đảng về vai trò và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân hiểu rõ vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tăng cường thắt chặt hơn mối liên hệ, gắn kết giữa người có uy tín với cộng đồng; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách hiện hành đối với người có uy tín; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động Nhân dân; tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện công tác vận động, phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín.
Bên cạnh đó, chú trọng phát hiện, lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng những tấm gương có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên từng lĩnh vực; nêu gương, tuyên truyền rộng rãi về điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa rộng khắp...