Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc - nhưng do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 22h51 ngày 20/5/2025, tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với nghi thức Lễ Quốc tang.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong số những cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ.
“Đó là sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ để bồi dưỡng cán bộ nòng cốt cho giai đoạn thống nhất đất nước, để cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước sau này”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, đồng chí Trần Đức Lương, cũng như các cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, rất được coi trọng đào tạo, bồi dưỡng.
“Đồng chí Trần Đức Lương sau này trở thành lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, là tiêu biểu cho sự thành công về chiến lược cán bộ, tầm nhìn xa của Đảng, của Bác Hồ về chủ trương đưa cán bộ, học sinh tập kết ra Bắc”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng tái khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, chủ trương đó thể hiện “tình nghĩa Bắc - Nam một nhà”.
Nhấn mạnh, sau này, khi trở thành lãnh đạo cấp cao, đồng chí Trần Đức Lương luôn phát huy được năng lực, vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, ở đồng chí Trần Đức Lương “có hiện thân của tình nghĩa Bắc - Nam ruột thịt”.
Điểm lại quá trình công tác, trưởng thành của đồng chí Trần Đức Lương trong ngành địa chất, ông Phúc nhấn mạnh, với chuyên môn của mình, sau này, ở các cương vị cao hơn, đồng chí Trần Đức Lương đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển chuyên ngành kinh tế kỹ thuật, tài nguyên khoáng sản, xây dựng chiến lược phát triển cho ngành để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước và sau này là công cuộc đổi mới.
Về công cuộc đổi mới, theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trong giai đoạn này, đồng chí Trần Đức Lương đã ở nhiều cương vị quan trọng, như: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987 - 1992), Phó Thủ tướng Chính phủ (1992 - 1997), Chủ tịch nước (1997 - 2006).
“Với cương vị, vai trò, trách nhiệm lớn, đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt - đặc biệt, khi giữ chức Chủ tịch nước - đã thúc đẩy sự nghiệp đổi mới ngày càng mạnh mẽ, nhất là từ cuối những năm 1990”, ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, với vị trí Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương rất quan tâm đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân. “Sự quan tâm, đóng góp lớn của tư cách người đứng đầu nhà nước đã đặt nền móng vững chắc cho việc sau này chúng ta tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ông Phúc nêu thêm.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng nhấn mạnh, cả trong thời kỳ làm Phó Thủ tướng, đến khi làm Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương rất quan tâm đến hoạt động đối ngoại, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế mà trước hết là hội nhập kinh tế.
“Những năm đầu thế kỷ 21, với tư cách nguyên thủ quốc gia, đồng chí đã đóng góp rất nhiều trong hoạt động đối ngoại, nâng cao vai trò của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, trong quan hệ song phương, đa phương với các nước, tổ chức quốc tế, nhất là các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc…”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói.
Về kỷ niệm với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Phúc nhớ lại, thời điểm năm 2000, khi còn đang giữ chức Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, ông được Văn phòng Chủ tịch nước liên hệ để chuẩn bị nội dung bài viết cho Chủ tịch nước kỷ niệm ngày thành lập Đảng.
“Qua thư gợi ý của đồng chí Trần Đức Lương về bài viết, tôi cảm nhận được tầm vóc suy nghĩ, tình cảm của đồng chí với Đảng, với Nhà nước, về vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước để đảm bảo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, xây dựng và phát triển đất nước”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhớ lại.