Nữ doanh nhân cựu chiến binh đam mê với nông nghiệp

LCĐT - Kiên trì, kiên định, dám nghĩ, dám làm là phẩm chất được rèn luyện trong môi trường quân đội giúp nữ doanh nhân cựu chiến binh Phùng Thùy Dung (sinh năm 1961, ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) chạm đến ước mơ, thành công trong kinh doanh, sản xuất.

Năm 1978, nghe theo tiếng gọi của non sông, cô gái Phùng Thùy Dung khi ấy mới 17 tuổi, quê ở Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội) đã xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau 3 năm công tác tại Bệnh xá 60 (Quân khu 2), xuất ngũ, trở về địa phương, lập gia đình, rồi như mối lương duyên, bà đã chọn Lào Cai để lập nghiệp. Bà tham gia nhiều công việc trong ngành xây dựng trước khi bén duyên với nông nghiệp.

Đến thăm và trải nghiệm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 16 ha của doanh nhân cựu chiến binh Phùng Thùy Dung ở phường Bắc Cường, chúng tôi bất ngờ khi tận mắt thấy hơn 30 nhà lưới trồng đủ loại rau xanh và vùng trồng cây ăn quả bạt ngàn.

Hằng ngày, bà Dung cùng người lao động cần mẫn chăm sóc cây trồng. Bà tâm sự: Làm nông nghiệp phải luôn đau đáu, theo dõi cây lớn lên từng ngày. Chỉ cần ngơi một chút là có thể gặp rủi ro. Nói là ứng dụng công nghệ cao, có bạt che chắn kín nhưng không vì thế mà mầm bệnh không phát triển, nguy cơ sẽ đến từ đất trồng hoặc nguồn nước tưới.

Chính vì vậy, bà đã chi hơn 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống xử lý nước để vừa có nguồn nước sạch, vừa có nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cây. Quy trình xử lý đất cũng rất phức tạp như phải khử trùng, nấm mốc, khử chua để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt. Mô hình nhà lưới còn sử dụng hệ thống phun, tưới nhỏ giọt, áp dụng màng phủ nông nghiệp, các chế phẩm sinh học chưng cất từ ớt, tỏi để phòng bệnh trên thân, lá…

Bà Dung say sưa kể những câu chuyện nông nghiệp mà không muốn dừng lại. Ước mơ cháy bỏng về một khu vườn đầy rau, trái ngọt trĩu cành đã ấp ủ từ rất lâu nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có vốn đầu tư nên đành gác lại và đến khi 40 tuổi, ước mơ ấy mới thành hiện thực.

“Muộn còn hơn là không được sống với ước mơ của mình”, đó là tâm sự của bà Dung khi trải lòng về quãng thời gian làm nông nghiệp. Bà chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình. Thời bấy giờ, nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn rất mới tại Lào Cai và chưa ai dám đầu tư. Vậy mà bà đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng (gồm vốn của gia đình và vay ngân hàng) để đầu tư nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Bà về Hà Nội học tập kinh nghiệm, tham vấn ý kiến của những chuyên gia đầu ngành đang công tác tại các viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vợ chồng bà cũng vào tận miền Trung, miền Nam học tập kinh nghiệm của các chủ vườn.

Đâu có chặng đường nào không phải trải qua những thăng trầm, khó khăn. Đã nhiều lần bà rơi nước mắt vì nhà giàn đổ sập do dông bão. Kinh nghiệm sản xuất không nhiều nên việc thất bại là khó tránh khỏi. Dù áp dụng đúng quy trình nhưng điều kiện thời tiết miền núi thay đổi thất thường, vì thế rau sinh trưởng kém, không như kỳ vọng. Không những vậy, khi đã thành công và có sản phẩm đầu tay thì sự đón nhận của thị trường cũng không lớn, bởi nhiều người vẫn quan niệm đó là “rau công nghiệp” và không “ngon” bằng rau “của nhà làm được”. Tuy vậy, bà vẫn kiên trì theo đuổi dù đã nhiều lần đổ đi hàng tấn rau, với quyết tâm “đã làm là phải làm đến cùng”.

Cựu chiến binh Phùng Thùy Dung giới thiệu sản phẩm OCOP của Lào Cai.
Cựu chiến binh Phùng Thùy Dung giới thiệu sản phẩm OCOP của Lào Cai.

Sự kiên định của cựu chiến binh Phùng Thùy Dung được đền đáp khi những năm gần đây, người tiêu dùng dần biết đến sản phẩm rau an toàn từ canh tác kỹ thuật tiên tiến. Sản phẩm được thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh đón nhận, được giới thiệu tại nhiều hội chợ nông sản trong nước. Để đánh giá chất lượng, bà mời chuyên gia nông nghiệp hàng đầu trong nước đến thăm mô hình của gia đình và kiểm tra, đánh giá nông sản, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Không dừng lại ở đó, gia đình bà tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng thêm mô hình nhà lưới tại phường Sa Pả (thị xã Sa Pa) để làm nông nghiệp hữu cơ và trồng nấm. Bà là người đầu tiên tại Lào Cai làm mô hình trồng nấm hương công nghệ cao với quy mô 500 nghìn bịch giống/năm. Bà còn xây dựng thêm mô hình chăn nuôi lợn an toàn theo quy trình khép kín, xử lý chất thải bằng hầm biogas. Hằng năm, bà xuất hàng chục tấn rau, hơn 120 tấn lợn thịt. Mô hình trồng nấm sau 3 năm triển khai cũng đã xuất hơn 500 tấn sản phẩm tươi và sấy khô. Nông sản của gia đình bà còn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, mang lại nguồn thu nhập khá.

Không chỉ tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cựu chiến binh Phùng Thùy Dung còn là nữ doanh nhân tiêu biểu. Năm 2003, bà sáng lập Công ty TNHH Thùy Dung kinh doanh đa ngành nghề. Những năm gần đây, công ty tập trung vào sản xuất nông nghiệp và cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương. Công ty đã liên kết, ký hợp đồng với nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để bao tiêu nông sản. Cơ sở kinh doanh nông sản Thùy Dung nằm bên Quốc lộ 4D, khu vực phường Sa Pả (thị xã Sa Pa) với gian hàng trưng bày hơn 20 sản phẩm OCOP, nông sản từ các địa phương trong tỉnh, thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến.

Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của doanh nhân Phùng Thùy Dung tại hội chợ thương mại tổ chức tại tỉnh Hải Dương.
Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của doanh nhân Phùng Thùy Dung tại hội chợ thương mại tổ chức tại tỉnh Hải Dương.

Trung bình mỗi năm, gia đình cựu chiến binh Phùng Thùy Dung có nguồn thu hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương và 60 - 80 lao động thời vụ. Cùng với phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, bà còn thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội, ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương, tri ân những người có công, gia đình chính sách. Doanh nhân cựu chiến binh Phùng Thùy Dung tâm sự: Tôi sẽ không ngừng phấn đấu để cống hiến không chỉ vì gia đình, mà còn mong muốn đóng góp cho quê hương thứ hai. Còn sức khỏe là còn làm. Tôi sẽ tiếp tục với đam mê làm nông nghiệp, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, góp công sức để ngành nông nghiệp Lào Cai ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw